Nỗi niềm giáo viên vùng sâu

Cập nhật 21/11/2013, 08:11:41

Nhân kỷ niệm 31 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, chúng tôi có dịp về thăm thầy giáo, cô giáo đang công tác tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa của huyện Ia Pa. Mặc dù điều kiện dạy học ở đây đã được quan tâm, đầu tư xây dựng song vẫn còn không ít gian nan và thiếu thốn cho việc dạy và học. Trước những khó khăn về vật chất, bằng sự nỗ lực của đội ngũ thầy, cô giáo tại các điểm trường vùng sâu nơi đây đã góp phần vận động trẻ đúng độ tuổi ra lớp và duy trì sỹ số học sinh qua từng năm.

 

Một lớp học ở trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa.

 

Thầy Đinh Yơng, giáo viên tại điểm trường làng Kliếc B, trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa đã gắn bó với các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hơn 10 năm. Có mặt tại điểm trường, được chứng kiến các tiết học của học sinh nơi đây, chúng tôi mới thấm thía nỗi nhọc nhằn, vất vả của đội ngũ giáo viên vùng sâu.

Bộc bạch nỗi lòng với chúng tôi Thầy Đinh Yơng, giáo viên điểm trường làng Kliếc B, Trường TH Lê Văn Tám, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai tâm sự:

“Truyền đạt cho các em ở đây rất khó, theo phong tục, theo tiếng mẹ đẻ của mình, để biết học sinh đi học như thế nào, có vui hơn không.Mong muốn của mình cho học sinh hiểu bài, tiếp thu bài nhanh và thích được đi học’’.

 

Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa hiện có 25 lớp học, với 555 học sinh ở 5 khối lớp (từ lớp 1 đến lớp 5). Trong đó, học sinh người dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Ngoài điểm chính, trường còn 4 điểm lẻ phân bố tại các làng trên địa bàn xã. Được biết, có điểm trường cách trung tâm xã chừng 8 km, giao thông đi lại rất khó khăn. Bên cạnh đó, đa số thầy, cô giáo đều ở xa nên phải ở khu nội trú, điều kiện sinh hoạt còn hạn chế.

 

Cô Trần Thanh Thủy-Giáo viên trường TH Lê Văn Tám, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai thổ lộ:“Tôi công tác ở đây đã là năm thứ 3, cuộc sống ở đây gặp rất nhiều khó khăn, đa số học sinh là người dân tộc Bana. Động lực giúp tôi có thể bám lớp, bám trường cho đến ngày hôm nay là tình thương và muốn tạo điều kiện cho các em có được tương lai tốt sau này”.

 

Hàng năm, cứ vào dịp 20/11, ở các điểm trường vùng thuận lợi, giáo viên lại được nhận ở các em học sinh và các bậc phụ huynh những bông hoa tươi thắm và những lời động viên khích lệ. Còn đối với giáo viên vùng sâu, họ vẫn miệt mài với những trang giáo án, mong sao ngày mai học trò tới lớp đầy đủ đó đã là niềm vui.

Cô Ksor H’Bre-Giáo viên điểm làng Vòng Bong 1, trường TH Võ Thị Sáu,Xã Chư Răng, huyện Ia Pa, Gia Lai tâm sự:“Các em học sinh ở đây thường theo mẹ lên rẫy, để vận động học sinh đi học đầy đủ là rất khó. Làm giáo viên ở đây bao nhiêu năm rồi, mỗi khi đến lớp thấy các em vắng là mình buồn lắm, mình sẽ cố gắng giảng dạy tốt để các em đến lớp nhiều hơn…’’

 

Qua trò chuyện Thầy  Siu Yương-Giáo viên điểm làng Vòng Bong 1, trường TH Võ Thị Sáu-Xã Chư Răng, huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết:“Mình biết, ngày 20.11 là ngày Nhà giáo Việt Nam, tại các điểm trường vùng xa như thế này, có nhiều bậc phụ huynh hầu như không biết ngày lễ. Nhưng đội ngũ thầy và trò đang cố gắng thi đua thực hiện những bài học tốt, giờ học tốt để lập thành tích chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam…’’.

 

Có thể nói, ngày 20-11 không chỉ là ngày hội của ngành Giáo dục mà thực sự đã trở thành ngày hội của toàn xã hội nhằm tri ân, tôn vinh những đóng góp của đội ngũ thầy, cô giáo cho sự nghiệp giáo dục trồng người. Những người thầy, người cô bám làng gieo chữ ở vùng sâu thật đáng khâm phục, họ đã và đang vượt qua khó khăn, vất vả, sống gắn bó, âm thầm hy sinh, miệt mài gieo chữ cho các em thơ./.

Bích Thủy – Thiên Thanh


Lượt xem: 69

Trả lời