Nỗi lo bệnh nhân lao kháng thuốc và bỏ điều trị

Cập nhật 23/3/2018, 08:03:48

Hiện, Việt Nam đang xếp thứ 14 trong tổng số 30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới. Cứ 10 người dân thì có 1 người mắc lao, và cứ 3 người mắc bệnh lao thì 1 người bị kháng thuốc. Thế nhưng hiện nay, một số bệnh nhân lao, nhất là bệnh nhân lao đa kháng thuốc không tuân thủ theo phác đồ điều trị, không hợp tác với các bác sĩ. Điều này đang gây khó khăn lớn cho công tác điều trị và phòng, chống bệnh lao tại cộng đồng.

Bệnh nhân Nơi năm nay 17 tuổi ở làng Kon Pơ Lam, xã Hà Đông, huyện Đak Đoa mắc bệnh lao nhập viện tháng 12/2017. Tuy nhiên mới điều trị được 2 ngày thì bệnh nhân tự ý bỏ về. Xác định bệnh nhân bị lao màng não đang trong tình trạng rất nguy kịch nên các bác sĩ của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai đã liên lạc ngay với tổ chống lao của huyện, đến ngày 31/1/2018 bệnh nhân mới quay trở lại bệnh viện nhưng trong tình trạng suy kiệt đa cơ quan. Sau gần 2 tháng tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị, đến nay sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.

Anh Ngraih, người nhà bệnh nhân cho biết: “Con mình nó  lên hạch ở cổ, bị ho nữa nhưng cứ ở nhà thôi. Nhưng khi nó nặng quá nó không ăn được chỉ nằm ở nhà thì mới lên đây. Mình cảm ơn bác sĩ đã chữa khỏi bệnh cho con mình, mình mừng lắm”.

Trong số 70 bệnh nhân đang nằm điều trị nội trú tại bệnh viện thì có tới 27 bệnh nhân lao phổi, số còn lại là lao ngoài phổi liên quan đến lao hạch, lao màng phổi và lao màng não. Theo đúng phác đồ, mỗi bệnh nhân phải điều trị từ 6 đến 20 tháng, chính vì thời gian nằm viện kéo dài như vậy nên các bác sĩ ở đây đã gặp rất nhiều khó khăn trong công tác điều trị cho bệnh nhân.

BS Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng khoa Nội B – Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Gia Lai cho biết: “Có những bệnh nhân mình không giải quyết cho về thì lại chốn viện, do vậy vấn đề điều trị cán bộ, tập thể nhân viên của khoa cố gắng tập trung động viên bệnh nhân ở lại điều trị. Khi nào xét nghiệm đờm trở về DK âm tính thì bệnh viện mới cho bệnh nhân xuất viện và chuyển tuyến về cho địa phương tiếp tục quản lý điều trị theo chương trình mục tiêu quốc gia”.

Nếu như năm 2017, tất cả bệnh nhân lao đa kháng thuốc đều phải chuyển sang Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Đăk Lăk thì sang năm 2018, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Gia Lai đã đưa ra phác đồ điều trị nhờ kỹ thuật xét nghiệm Genxpert hiện đại nhất hiện nay với độ đặc hiệu chẩn đoán bệnh lên tới 95%. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng đã có sự chuẩn bị về nhân lực và hóa chất để phục vụ tốt nhất công tác điều trị bệnh nhân lao đa kháng thuốc tại địa phương.

BS CKI Mai Minh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Gia Lai cho biết: “Bên cạnh xét nghiệm Genxpert đó thì bệnh viện đã đầu tư phòng nuôi cấy vi khuẩn lao, làm kháng sinh đồ đã hoàn tất các thủ tục, hóa chất cũng đã có. Sắp tới bệnh viện sẽ triển khai tại đơn vị. Chúng tôi cũng đã thành lập hội đồng điều trị lao kháng thuốc và bệnh viện đã thu dung được 3 bệnh nhân lao kháng thuốc, sắp đến chúng tôi sẽ triển khai phòng nuôi cấy tại chỗ, như vậy bệnh nhân sẽ giảm được chi phí đi lại từ đây qua Đăk Lăk hoặc TP. Hồ Chí Minh để xét nghiệm”.

Theo khuyến cáo của các bác sỹ, để phòng lao kháng thuốc, bệnh nhân mắc lao cần thường xuyên tái khám và điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ, tăng cường chế độ dinh dưỡng và có phương pháp luyện tập sức khỏe phù hợp, khoa học để tăng sức đề kháng cho cơ thể nhằm chống lại tính đột biến của vi khuẩn lao. Bởi bệnh nhân lao hay lao kháng thuốc đều có thể điều trị khỏi nếu bệnh nhân kiên trì điều trị theo đúng phác đồ./.

Lệ Xuân; Đặng Trà


Lượt xem: 134

Trả lời