Nỗ lực thay đổi tập quán sản xuất của người dân Hà Đông

Cập nhật 03/7/2020, 14:07:32

Với đặc thù của 1 xã vùng sâu vùng xa, có 99% dân số là đồng bào Bahnar, xã Hà Đông, huyện Đak Đoa còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, các chương trình, dự án đầu tư cho phát triển kinh tế được quan tâm đã từng bước giúp người dân địa phương thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp thông qua các mô hình sản xuất mới.

Gia đình ông Brốt là hộ đầu tiên ở làng Kon Ma Har trồng cà phê. 1 ha đất trồng mì bạc màu, kém hiệu quả đã được ông chuyển sang trồng cà phê hơn 3 năm nay. Trước đây chỉ trồng cây mì, lúa rẫy, nay chuyển đổi sang trồng cà phê nên ông phải chịu khó tìm tòi, học hỏi, dành nhiều thời gian chăm sóc cho vườn cây. Thấy vườn cà phê của gia đình ông Brốt phát triển tốt, đã cho thu hoạch, nhiều hộ dân ở làng Kon Ma Har cũng bắt đầu học hỏi làm theo.

Ông Brốt chia sẻ: “Trước kia mình trồng lúa, mì mình thấy làm kinh tế như vậy càng ngày càng xuống nên mấy đứa con đi làm cho người ta tìm tòi học hỏi về làng bắt đầu tập trồng cà phê. Trồng cà phê dù khó nhưng cố gắng, mình thu đến nay gần 3 năm, thu nhập trong gia đình đỡ hơn. Dân làng thấy mình trồng cà phê nên mời mình tới đám vườn người ta để mình hướng dẫn cho bà con cách trồng, bón phân”.

Ý thức được sự cần thiết phải chuyển đổi thay thế những cây trồng kém hiệu quả lâu nay, người dân địa phương đã từng bước chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế như cà phê, tiêu, trồng rừng. Một số mô hình chăn nuôi theo hướng tập trung cũng bắt đầu nhân rộng.

Anh Đào Anh Tuấn – Làng Kon Pơ Dram, xã Hà Đông, huyện Đak Đoa cũng cho biết: “Mô hình nuôi dúi thấy dễ, chăn nuôi ít bệnh tật, nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương như mía, tre đót. 1 năm đẻ 2-3 lứa, mỗi lứa từ 2-4 con, mỗi tháng xuất được 20 kg thịt, trọng lượng 1kg-1,4kg, giá thị trường tầm 500 nghìn/1kg”

Chị Lý Thị Việt – Công chức Nông nghiệp xã Hà Đông, huyện Đak Đoa cho biết: “Đối với  cây trồng bà con đã từng bước chuyển đổi sang trồng cây dài ngày như cà phê, tiêu, vật nuôi có định hướng nuôi nhốt chứ không thả rông. Hiện tại khuyến khích bà con chuyển đổi diện tích đất trồng mì bạc màu sang trồng rừng nguyên liệu, trồng cây keo lai. Đối với chương trình Occop, Hà Đông chọn  chuỗi giá trị phát triển măng khô đối với sản phẩm có sẵn trong tự nhiên, sản phẩm trồng chọn măng điều trúc”.

Kết quả mà xã Hà Đông đạt được rõ nét nhất là thay đổi tập quán sản xuất của người dân. Hiện nay các công trình thủy lợi đã được đầu tư, diện tích lúa nước đã mở rộng, các mô hình sản xuất có hiệu quả ngày càng được nhân rộng. Đặc biệt, việc trồng rừng kinh tế đã trở thành phong trào thu hút 50% số hộ dân toàn xã tham gia với tổng diện tích rừng trồng đạt 700 ha./.

Kim Châu, Đức Hải, Thanh Sáng


Lượt xem: 27

Trả lời