Nỗ lực của thầy, cô giáo ở điểm Trường lẻ Mơ Nai Trang, xã Ia Piar

Cập nhật 19/11/2019, 15:11:20

Công việc dạy học của những giáo viên vùng khó khăn, nhất là ở các điểm trường lẻ không mấy thuận lợi. Nhưng bằng tình yêu nghề, các thầy cô giáo ở đây đang nỗ lực từng ngày để dìu dắt các thế hệ học trò vốn chịu nhiều thiệt thòi so với các em học sinh ở vùng thuận lợi. Và để kết quả học tập của các em học sinh ở đây dần ngang bằng với chất lượng của các em học sinh ở điểm trường chính, những ngày ngày này, các giáo viên ở điểm trường lẻ đang tập trung tăng cường ôn tập cho học sinh để chuẩn bị thi hết học kỳ I. Phóng sự được thực hiện tại điểm Trường lẻ Mơ Nai Trang, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện.

Là người công tác khá lâu tại điểm Trường lẻ Mơ Nai Trang – Trường Tiểu học Lý Tự Trọng  xã Iapiar, huyện Phú Thiện, thầy giáo Nay Doen đã trải qua hết tất cả những khó khăn của người giáo viên phụ trách thôn làng vùng sâu, vùng xa ở đây. Không chỉ đường xá đi lại khó khăn, mà nhất là mỗi khi vào mùa vụ thì hầu hết các em học sinh  đều nghỉ học theo cha mẹ lên nương rẫy, làm gián đoạn công việc học tập của các em. Nhưng bằng tình yêu đối với học trò, thầy giáo Nay Doen đã níu giữ được chân học sinh đi học đều đặn mỗi ngày. Đó chính là món quà lớn nhất mà thầy đã có được trong dịp 20/11 năm nay.

Thầy giáo Nay Doen – Điểm Trường lẻ Mơ Nai Trang, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, Gia Lai cho biết: “Khác nhau là ở trung tâm thì học sinh có bố mẹ hiểu ngày 20 tháng 11, còn ở đây bố mẹ không biết ngày 20- 11 như thế nào. Học sinh ngày 20- 11 tôi có nói với học sinh là ngày của thầy cô giáo, các em không biết cái ngày đó nhưng các em phải cố gắng học thành người có đức, có tài để sau này phục vụ cho quê hương.”

Còn đối với những giáo viên nữ, công việc đến trường của họ cũng gặp nhiều vất vả hơn vì vừa phải lo công việc gia đình, vừa phải hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, nhất là đảm bảo duy trì sĩ số học sinh đến trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nga, Điểm Trường lẻ Mơ Nai Trang – Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, Gia Lai chia sẻ: “Bản thân tôi là một giáo viên thì muốn duy trì sĩ số thì phải đến nhà vận động các em, cha mẹ của các em để cho các em đến trường đầy đủ. Nhân dịp ngày 20 tháng 11 thì cái niềm vui lớn nhất trong tôi đó là các em đi đến trường đầy đủ, trên gương mặt của các em luôn nở nụ cười vì được gặp bạn bè và thầy cô, đó là cái bó hoa lớn nhất cho những người giáo viên vùng sâu như tôi”.

Thôn Mơ Nai Trang hiện có đến 98% người dân tộc thiểu số và là thôn khó khăn nhất của xã Ia Piar, huyện Phú Thiện. Được sự đầu tư của các cấp, các ngành, đến thời điểm hiện tại, xã Ia Piar đã hoàn thành việc xây dựng hơn 4km đường bê tông vào thôn Mơ Nai Trang nên việc đi lại thuận lợi hơn trước rất nhiều. Cùng với đó, hệ thống trường lớp đã được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu dạy và học của các em học sinh thuộc các khối lớp 1, 2, 3.  Vì vậy chất lượng học tập của học sinh ở đây đã dần bắt kịp chất lượng giáo dục của các trường học khu trung tâm đặc biệt là ở khả năng đọc, viết và  làm toán.

 Em Mạc Ích Đông, Học sinh lớp 3, điểm Trường lẻ Mơ Nai trang, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, Gia Lai nói: “Em rất thích đến trường, đến trường được gặp bạn bè, thầy cô, cô giáo giáo dạy em rất nhiều điều hay, bổ ích và em thích nhất là học môn Toán. Nhân dịp ngày nhà giáo VN 20-11, em kính chúc quý thầy cô, có thật nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui.”

Thầy giáo Bùi Văn Thắng,  Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trong, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, Gia Lai  cho biết: “Riêng đối với Mơ Nai Trang là một làng đặc biệt khó khăn của xã Ia Piar do trường phụ trách, điểm trường này cách điểm trường chính hơn 4km, để đảm bảo chất lượng giáo dục ở vùng khó thì nhà trường cũng đã bố trí đội ngũ giáo viên có năng lực nhất về với điểm trường và đến giờ này chất lượng giáo dục ở điểm trường ở điểm trường Mơ Nai Trang đã ngang bằng chất lượng ở điểm trường Trung tâm và hàng năm thì tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học trên 95%, khả năng nói, đọc, viết của các cháu đã vượt trội so với trước đây.”

Tuy còn nhiều thiệt thòi hơn so với những đồng nghiệp hiện đang công tác ở những khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội thuận lợi, nhưng bằng sự tận tâm, nhiệt tình của mình, các thầy cô giáo hiện đang công tác tại các điểm trường lẻ trên địa bàn huyện Phú Thiện đang phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn. Nhìn thấy học trò của mình ngày càng chăm ngoan, học giỏi, trở thành người có ích cho xã hội,  đó chính là niềm vui, sự động viên to lớn nhất đối với các thầy giáo, cô giáo đã và đang tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người ở vùng đất này./.

Lệ Xuân – CTV Bảo Anh, Cao Dũng

 


Lượt xem: 115

Trả lời