Những sản vật đặc trưng của Gia Lai

Cập nhật 05/5/2022, 18:05:36

Là một tỉnh miền núi Tây Nguyên với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đặc trưng, Gia Lai được biết đến với nhiều sản phẩm độc đáo được chế biến từ các loại cây trồng, vật nuôi chủ đạo của tỉnh. Với bản tính cần cù, óc sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo, người dân Gia Lai đã làm ra những sản vật độc đáo mang đậm bản sắc địa phương. Điều này đã mở ra nhiều triển vọng phát triển kinh tế mới cho người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là trong thời kỳ hội nhập và phát triển như hiện nay.

Với diện tích cà phê lớn thứ 4 trong cả nước với gần 97.400 ha, nhiều năm nay, cà phê luôn là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai, khi mang về nguồn thu hàng trăm triệu USD mỗi năm. Thời gian qua, ngoài cung cấp sản phẩm thô ra thị trường, việc chế biến cà phê thành phẩm đang được các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh chú trọng đầu tư. Theo đó, nhiều thương hiệu cà phê của tỉnh Gia Lai đã xuất hiện và mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài. Với hương vị đặc trưng, sản phẩm cà phê Gia Lai đã trở thành đặc sản không chỉ được người dân địa phương tự hào mà còn là mặt hàng được du khách lựa chọn mỗi khi đến với mảnh đất này. Để có được sản phẩm đảm bảo chất lượng, công nghệ chế biến cà phê đang được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh chú trọng ở tất cả các khâu từ chăm sóc, thu hoạch đến khâu chế biến.

Ông Phan Bá Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Ba Ka cho biết: “Quá trình tạo nên một sản phẩm chất lượng cũng đòi hỏi rất nhiều yêu cầu từ máy móc, hỗ trợ cho bà con nông dân để canh tác, tránh sử dụng quá nhiều chất bảo vệ thực vật, quá nhiều phân hóa học. Bên công ty cũng trang bị nhiều loại máy  để tăng chất lượng sản phẩm quả cà phê, lấy được những quả ngon đáp ứng nhu cầu cà phê chất lượng cao. Khi công ty gặp khách nước ngoài, người ta mong mỏi sản phẩm mình có chỉ dẫn địa lý, họ muốn biết sản phẩm của anh ở vùng đó 1 năm sản lượng là bao nhiêu, những chứng chỉ khác như ISO, HACCP”.

Cùng với các sản phẩm được chế biến từ các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, thời gian gần đây, các sản phẩm đến từ ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng đang “nức tiếng” gần xa. Nổi bật có thể kể đến món bò một nắng. Được xem là cái nôi và cũng là địa phương có tiếng trong việc sáng tạo ra và chế biến đặc sản từ thịt bò này, vừa qua, huyện Krông Pa đã thực hiện xây dựng thành công nhãn hiệu “Bò Krông Pa-Gia Lai”. Không chỉ dừng lại ở một món ăn quen thuộc của địa phương, theo thời gian cũng như sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các ngành trong việc xây dựng nhãn hiệu đã giúp bò một nắng trở thành một đặc sản được thực khách tìm đến mỗi khi đến với mảnh đất Gia Lai. Điều này cũng đã tạo điều kiện để người dân địa phương có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập và làm giàu bằng cách sản xuất đặc sản.

Bà Đinh Thị Hậu, Tổ dân phố 4, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa cũng nói: “Từ khi bò 1 nắng Tuấn Hậu vào sản phẩm OCOP có logo, nhãn hiệu đàng hoàng thì thôi thấy bán được lan rộng hơn. Tôi muốn các sản phẩm của tôi sang năm tới đây là tôi cũng muốn các cơ quan, ban, ngành tạo điều kiện giúp đỡ tôi làm được kho đông lạnh để tôi chứa nhiều và muốn mở ra 1 cái xưởng làm các sản phẩm được vào OCOP”.

Ông Nguyễn Huy Cao Cường, Phó Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Krông Pa cho biết: “Trên cơ sở nhãn hiệu được cấp thì phòng Kinh tế hạ tầng sẽ tham mưu cho ủy ban huyện ban hành quy chế sử dụng, trên cơ sở quản lý sử dụng tiến hành cấp cho các hộ kinh doanh trên địa bàn của huyện, trên cơ sở được bảo hộ các sản phẩm bò Krông Pa sẽ được nhà nước bảo hộ và ngày càng gia tăng sản phẩm bò trên địa bàn huyện”.

Nhắc đến Gia Lai, không thể không nhắc đến rượu ghè. Là một đặc sản không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Jrai, Bahnar từ các dịp quan trọng như lễ hội, các sự kiện quan trọng như đám cưới, đám ma, rượu ghè cũng là thức uống thể hiện sự trân trọng, tình cảm nồng hậu của người dân địa phương mỗi khi có khách đến thăm. Mặc dù có nhiều thay đổi theo thời gian nhưng nghề làm rượu ghè đang được người dân ra sức gìn giữ và phát triển. Với hơn 30 năm gắn bó với nghề làm rượu ghè, cơ sở làm rượu ghè của bà H’Phiên ở làng Leng Tô, thị trấn Đăk Pơ, huyện Đăk Pơ đã có thương hiệu riêng và chỗ đứng trên thị trường với lượng khách hàng ngày càng được mở rộng ra trong cả nước.

Bà H’Phiên, Làng Leng Tô, thị trấn Đăk Pơ, huyện Đăk Pơ, Gia Lai nói: “Sản phẩm của tôi rượu ghè thì làm bằng bo bo, bông cỏ, có Jam, ớt, gừng, lá cây…đều là nguyên liệu tự nhiên thôi, trong vườn trồng được. Nguyên liệu của rượu ghè này thì người Ba na cũng đều có cả. Tôi cũng sẽ truyền nghề lại, mong muốn con cháu giữ được nghề truyền thống, sau này có chết thì nghề vẫn còn”.

Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đặc trưng riêng phù hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi cộng với sự phong phú và giao thoa của cộng đồng với hơn 40 dân tộc anh em cùng sinh sống đã tạo ra nhiều sản vật độc đáo mang đậm bản sắc riêng của tỉnh Gia Lai. Không chỉ góp phần tạo nên sự đa dạng trong đời sống, văn hóa của người dân địa phương, cùng với sự quan tâm đầu tư của các ngành, các cấp, các đặc sản này đang mở ra nhiều triển vọng phát triển mới trên lĩnh vực kinh tế cũng như góp phần quảng bá hình ảnh về tỉnh Gia Lai đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước./.

Ngô Thanh, Duy Linh


Lượt xem: 20

Trả lời