Nhùng nhằng việc sở hữu đất đai tại xã Ia Hdreh

Cập nhật 12/1/2018, 07:01:11

Tình trạng tranh chấp và sự nhùng nhằng trong sở hữu đất đai giữa người dân với người dân tại xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa tồn tại kéo dài trong hơn 10 năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, đã ảnh hưởng lớn đến việc làm ăn, sinh sống và quyền lợi của nhiều người dân trong xã.

Vì sao xảy ra tình trạng trên và cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Krông Pa sẽ tiếp tục có những biện pháp gì để giải quyết, sau đây là tìm hiểu của nhóm phóng viên thời sự.

Xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa hiện có gần 1.000 hộ sinh sống tại 8 thôn, buôn chủ yếu thuộc diện tái định cư cách đây hơn 10 năm (khi thành lập xã). Phần lớn diện tích đất để xây dựng các công trình công cộng và đất ở của người dân trong xã được bố trí từ đất nương rẫy của người dân trước đây lấn chiếm trái phép từ đất lâm nghiệp. Nhưng khi đó chính quyền địa phương chưa thực hiện công việc quan trọng là thu hồi diện tích đất lâm nghiệp người dân lấn chiếm trái phép, sau đó cấp cho các hộ thuộc diện tái định cư với các văn bản, pháp lý cụ thể, rõ ràng. Bởi vậy, nhiều chủ đất rẫy cũ vẫn cho rằng mình vẫn đang sở hữu diện tích đất ở của nhiều hộ thuộc tái định cư nên xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp giữa hai bên. Sự việc càng phức tạp hơn khi giá đất ngày càng tăng và khi xây dựng một số công trình như trụ sở xã, trường học.. huyện có thực hiện hỗ trợ chi phí công khai hoang đất cho các hộ là chủ nương rẫy, còn giữa chủ nương rẫy cũ và hộ đang sinh sống trên đất đó chưa thỏa thuận được về mặt sở hữu đất, dẫn đến giữa các bên có sự nhùng nhằng, tranh chấp.

Ông Ksor Jú – Chủ tịch UBND xã Ia Hdreh, Kông Pa, Gia Lai cho biết: “Chủ đất vườn hiện nay dựng nhà trên chủ đất rẫy trước kia. Khi kiểm tra đo đạc để cấp bìa đỏ thì chủ đất cũ phản ứng quá gay gắt thành thử việc cấp bìa đỏ không thực hiện được đến bây giờ kéo dài. Năm 2015 có chủ trương khi xây dựng công trình công cộng trên đất rẫy cũ của người dân thì có hỗ trợ đền bù công khai hoang, còn đối với các trường hợp khác thì giữa hộ có đất rẫy cũ và hộ đang sinh sống trên đất rẫy cũ của hộ đó tự thương lượng với nhau nhưng việc thường gặp khó khăn vì không thống nhất được giá cả”.

Do sự nhùng nhằng, chưa phân định rõ ràng trong việc sở hữu như vậy nên hiện nay một nửa trong tổng số gần 1.000 hộ ở xã Ia Hdreh chưa đủ cơ sở pháp lý để cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng nghĩa với việc nhiều hộ bị thiệt thòi. Nếu ngay từ đầu chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm về mặt pháp lý trong việc thu hồi đất của chủ cũ lấn chiếm trái phép từ đất lâm nghiệp để cấp cho các hộ thuộc diện tái định cư thì sẽ không xảy ra tình trạng này.

Ông Kror Manh – người dân xã Ia Hdreh, Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Do khuyết điểm từ đầu là nếu thu đất rẫy để cấp lại cho hộ khác thì phải thỏa thuận với dân ngay từ ban đầu, có văn bản để dân ký mới thu gom đất để cấp cho hộ khác, đằng này không làm việc đó. Đòi hỏi của các hộ được cấp đất là có sổ đỏ được vay ngân hàng để làm ăn, giờ không có sổ đỏ thì không đủ cơ sở để ngân hàng cho vay”.

Ông Tạ Chí Khanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Sau hơn 10 năm thực hiện tái định cư thì những chủ đất cũ họ thấy giá trị đất lên nên nay họ đòi lại đất đó và yêu cầu bồi thường đất đó. Quan điểm của huyện chẳng những địa bàn xã Ia Hdreh mà nhiều xã trong huyện cũng thực hiện các dự án tái định cư nên huyện kêu gọi người dân nhường nhịn đất đai trước đây để thực hiện các khu tái định cư, người dân tự thỏa thuận đổi đất với nhau để thống nhất ổn định các khu tái định cư. Đến giờ các hộ ở trên chủ đất cũ trước đây làm rẫy đã được thỏa thuận với nhau rồi thì UBND huyện tiến hành lập thủ tục hồ sơ để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn các hộ chưa thỏa thuận được với nhau thì huyện đang tiếp tục tuyên truyền vận động giải quyết dứt điểm”.

Sinh sống trên đất được chính quyền địa phương cấp nhưng vẫn chưa thực sự được sở hữu nên nhiều gia đình ở xã Ia HDreh, huyện Krông Pa mong muốn cấp có thẩm quyền khẩn trương giải quyết tình trạng trên một cách dứt điểm và thỏa đáng để họ yên tâm ổn định cuộc sống./.

 Hà Đức R’Piên


Lượt xem: 98

Trả lời