Những người vinh dự được gặp Bác Hồ

Cập nhật 02/9/2021, 07:09:52

52 năm Bác Hồ đã đi xa, thế nhưng với mỗi người dân Việt Nam, Bác vẫn như còn sống mãi với dân tộc, với đất nước. Còn với những người đã từng dù chỉ là một lần, hay nhiều lần được gặp Bác Hồ thì đó là vinh dự vô cùng lớn lao, là những kỷ niệm đẹp không bao giờ quên có thể phai mờ trong tâm trí.

Với ông Rơmah Hoen ở làng Ngol, Tổ 3, phường Trà Bá, TP. Pleiku nhiều thứ có thể đã quên nhưng ký ức về những lần được gặp Bác Hồ vào các năm 1961, 1962 và 1963 tại trường khi còn là học sinh của Trường Dân tộc Trung ương Hà Nội có lẽ không bao giờ ông quên được. Giờ đây ở tuổi 73, ông Rơmah Hoen vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc vì may mắn được gặp Bác Hồ, không chỉ một lần mà tới 3 lần. Và dù khoảng thời gian được gặp Bác mỗi lần không nhiều, nhưng những kỷ niệm về Bác đã được ông cất giữ như một tài sản vô giá và đây cũng là nguồn cảm hứng cho những câu chuyện về Bác Hồ mỗi lần ông nói chuyện với mọi người.

Ông Rơmah Hoen xúc động kể lại: “Biết tin Bác đến nhưng không biết Bác đi đâu hết, trên chỗ hội trường tập trung và sân bóng cũng không thấy Bác; một hồi Bác mới tới Bác, đi dép cao su và mặc bộ quần áo bà ba màu nâu. Bác nói chuyện, dặn dò các cháu. Đầu tiên hỏi sức khỏe các cháu có khỏe không? – học sinh hô “khỏe”; có đoàn kết không? – “có”; ăn có no không? thì một số học sinh nghịch nói đói lắm. Mà lúc đó đói thật, có nửa chén cơm à. Thế thì Bác mới bảo các cháu ráng học, giữ gìn sức khỏe, đoàn kết; bây giờ miền Nam mình đang đau khổ, chết chóc nhiều; các cháu học thành nghề nghiệp rồi về quê hương phục vụ. Bác Hồ dặn thế rồi Bác giơ tay hát bài kết đoàn, Bác vỗ tay và sau đó Bác rời đi lúc nào không biết; Bác nhanh nhẹn lắm. Thế thì tìm Bác không thấy, quay lại chỗ các đồng chí công an chờ Bác thì Bác đã lên xe rồi và đuổi theo không kịp nữa, chỉ nhìn theo bóng Bác thôi”.

Sâu thẳm trong mỗi người dân Việt Nam, Bác Hồ mãi mãi là vị cha già kính yêu của dân tộc; bởi vậy tình yêu, sự kính trọng và quý mến đối với Bác lúc nào cũng trong trái tim mỗi người. Bà Hồ Thị Thừa là một trong 11 cô gái biệt động thành Huế thuộc đơn vị Võ Thị Sáu tham gia tiêu diệt địch ở Cầu Văn Dương (Huế) tháng 02/1968, sau đó ra Hà Nội học tập và được vinh dự gặp Bác, báo công với Bác về trận đánh năm đó. Cho đến hôm nay, những cử chỉ ân cần, những lời động viên và cả những lời chỉ dạy của Bác Hồ năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong kí ức của người nữ biệt động thành Huế năm nào. Được gặp Bác, được Bác trò chuyện, thăm hỏi – đó là những thời khắc, những kỷ niệm để lại ấn tượng sâu đậm, khó quên nhất trong cuộc đời.

Bà Hồ Thị Thừa – Tổ 13, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, Gia Lai bồi hồi nhớ lại: “Năm 1968 đánh xong rồi thì bác được ở trên cho ra Bắc. Trước mắt là được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng chiêu đãi 2/9 toàn bộ anh em. Chiêu đãi xong thì Đại tướng chọn người để được đi gặp Bác Hồ, thế thì có bác được đi gặp Bác Hồ. Sau khi ra báo cáo tình hình năm Mậu Thân đánh nhau cho Bác nghe và kể lại hoàn cảnh mình bị tù đày, tra tấn như thế rồi Bác cho ăn bữa cơm và Bác khóc. Bác bảo sao cháu nhỏ bé mà cháu có tinh thần dũng cảm, gan dạ như thế, cháu không sợ thằng Mỹ à. Dạ thưa Bác con không sợ, nó cao to nhưng mà nó không có tinh thần như cháu. Đến bây giờ bác rất là nhớ Bác Hồ”.

Không ít người có vinh dự được gặp Bác Hồ trong những năm tháng được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho ra Bắc học tập, công tác như ông Hoen, bà Thừa. Với họ – những câu chuyện cùng ký ức về những lần được gặp Bác Hồ đến nay vẫn còn vẹn nguyên, là hành trang truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau./.

 Mỹ Tiến, R’Piên


Lượt xem: 50

Trả lời