Những ký ức thiêng liêng về dòng chảy lịch sử dân tộc

Cập nhật 30/4/2023, 07:04:32

Dân tộc Việt Nam gắn liền với những ký ức thiêng liêng, tự hào, khó phai nhòa trong dòng chảy lịch sử. Đó là những năm tháng đau thương nhưng rất hào hùng về tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, bất khuất với khát vọng dân tộc được độc lập, tự do;đất nước được hoà bình, thống nhất; về thời kỳ đặc biệt khi thực hiện cơ chế kinh tế tập trung bao cấp, sau đó chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước… Dưới ánh sáng soi đường, chỉ lối của Đảng ta với kim chỉ nam là chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, cả dân tộc Việt Nam cùng nhịp đập, đã tạo nên sức mạnh vĩ đại, làm nên những kỳ tích; đất nước tươi sáng, rạng rỡ như Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Ký ức tự hào về dòng chảy lịch sử thăng trầm của dân tộc không thể nào phai mờ trong mỗi người dân nước Việt.

Lịch sử Việt Nam như một bản trường ca hào hùng, lấp lánh chủ nghĩa yêu nước và khát vọng đổi mới, vươn tới giá trị tốt đẹp của dân tộc và nhân loại. Không chịu áp bức, bóc lột bởi ách thống trị của thực dân phong kiến và đế quốc, hưởng ứng lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, cả dân tộc Việt Nam vượt qua bao gian lao, thiếu thốn trong những cuộc trường chinh, đã làm nên những chiến công vĩ đại, đặc biệt Cách mạng tháng Tám (1945), khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Nhân dân làm chủ và tiếp đến là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, (30/4/1975) – giang sơn thu về một mối. Với bao người dân đất Việt, được cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân là mệnh lệnh của trái tim, là lẽ sống cao đẹp, không kẻ thù nào có thể khuất phục. Đồng hành cuộc kháng chiến, từng vào sinh ra tử trong trận mạc, “Thép đã tôi thế đấy”, nhiều người đã không hối tiếc vì không sống hoài, sống phí những năm tháng,mà đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho lý tưởng cao đẹp của Đảng và của dân tộc ta.

Thiếu tướng Đinh Dương – Nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5 bồi hồi nhớ về quyết tâm của thời tuổi trẻ: “Thời tuổi trẻ của chúng tôi chỉ biết lên đường nhập ngũ và tham gia đánh giặc, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cao trào, phong trào tham gia giết giặc lập công lúc bấy giờ sôi sục lắm, không anh nào lùi bước. Khi được vào quân đội, vào quân giải phóng rồi thì sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ;ở bất cứ đơn vị nào, đánh đồn nào, thời điểm nào, thời gian nào, trước sau như một chỉ có theo Đảng, theo Bác Hồ.”

Ông Vũ Hồng Sáu – TP. Pleiku tự hào nói: “Nói chuyện gian khổ ở chiến trường, tôi chỉ đọc câu thơ của cụ Tố Hữu là đủ thôi, ở chiến trường nào cũng vậy: “Khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non”. Tóm lại, gian khổ lắm! Đói không thể nào tưởng tượng được! Nhưng lúc bấy giờ người lính giác ngộ chính trị tốt, được giáo dục về tư tưởng của cụ Hồ nên vượt qua hết. Chiến đấu hết mình!”

Ông Trần Minh Vân – TP. Pleiku bồi hồi nhớ lại: “Tôi cùng với các đơn vị và Nhân dân tham gia chiến dịch mùa Xuân năm 1975-Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đó là niềm vinh dự, tự hào và hạnh phúc của bản thân tôi cùng đồng đội và Nhân dân vì đã góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nơi chúng tôi đi qua đã trực tiếp chiến đấu, Nhân dân rất hồ hởi, phấn khởi. Anh em bộ đội, dân quân du kích, cùng các lực lượng hợp tác chiến đấu rất đồng bộ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.”

Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, cả dân tộc tiếp tục đối diện với chống chất khó khăn và những thách thức mới. Từ năm 1975 đến năm 1985 là giai đoạn đặc biệt của đất nước, kinh tế được vận hành theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp;thị trường bị co thắt, hàng hoá khan hiếm, lam phát tăng cao, đất nước bị cấm vận; lại phải gồng mình khắc phục hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại. Từ đấu tranh tư tưởng và nhữngcải cách ruộng đất, những cuộc“xé rào” tại một số nơi như Vĩnh Phúc, Long An… khi thực hiện cơ chế “khoán hộ”, là những thử nghiệm quý báu để Đảng ta đi đến quyết định mang tính lịch sử đó là tại Đại hội VI vào cuối năm 1986 đề ra chủ trương đổi mới toàn diện đất nước; trong kinh tế thì xoá bỏ cơ chế tập trung bao cấp, chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội VI-Đại hội đổi mới thể hiện tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật; sự sáng suốt và tầm nhìn chiến lược, đổi mới tư duy của Đảng ta khi thực hiện công cuộc đổi mới; như một sự cởi trói, làm xoay chuyển tình hình, đất nước chuyển sang trang mới, thoát khỏi khủng hoảng trầm trọng, rồi từng bước phát triển; làm nên những kỳ tích trong thời đại Hồ Chí Minh. Lịch sử đã chứng minh, con đường độc lập dân tộc, thực hiện công cuộc đổi mới gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn sáng suốt, là khát vọng thiêng liêng của Đảng và của dân tộc ta.

 Ông Phan Hữu Thực – TP. Pleiku khẳng định: “Ngày xưa, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng bây giờ tất cả mọi thứ đều có. Sự lãnh đạo của Đảng đã đem lại ấm no, hạnh phúc cho dân tộc. Nếu không có Đảng lãnh đạo, không có Bác Hồ, không có các bậc tiền bối đi trước thì đất nước ta không có được như ngày hôm nay.”

Bánh xe lịch sử chuyển động không ngừng nhưng nhiều người không thể nào quên những gì đã diễn “trước đêm đổi mới”. Đó là thời bao cấp với “sổ gạo”, mọi giao dịch hàng hoá đều bằng chế độ tem phiếu, bao giờ mới có điện là ước mơ, cả nước phải “thắt lưng buộc bụng” vì khó khăn, thiếu thốn. Nhớ về quá khứ để chúng ta càng cảm nhận những năm tháng gian khó, những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt mà cả dân tộc đã trải qua và càng trân trọng và biết ơn bao thế hệ đã cống hiến, hy sinh để đất nước “nở hoa độc lập, kết trái tự do” và ngày càng vững bước đi lên trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá dưới ngọn cờ đổi mới của Đảng.

Ông Lê Đức Thọ – Chủ tịch Hội CCB phường Hoa Lư-TP. Pleiku xúc động nói: “Thời kỳ bao cấp, tất cả việc làm ăn đều tập thể, làm ăn đều tập thể, tiếng kẻng của thôn trưởng là hiệu lệnh bà con đi làm. Thời điểm mà chúng tôi cảm thấy khó khăn nhất đó là 1982, 1983, 1984-thời điểm đó tôi đang học cấp 2, chuẩn bị chuyển sang cấp 3, với chế độ tem phiếu, một năm mỗi gia đình được bao nhiêu lạng thịt… Và có thời kỳ đổi lương thực để lấy xăm lốp xe… Sau nhiều năm thực hiện đổi mới, đất nước ta đã có vị thế quan trọng trên thế giới, các điều kiện để phát triển đất nước rất tốt.”

 Những chiến công chói lọi trong đấu tranh giành độc lập tự do, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và những thành tựu có ý nghĩa lịch sử sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã tiếp thêm động lực để cả dân tộc Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, giàu mạnh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Hà Đức – R’Piên

 


Lượt xem: 16

Trả lời