Những khó khăn, bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại tỉnh Gia Lai

Cập nhật 04/4/2016, 09:04:28

Sự phát triển kinh tế-xã hội, quá trình đô thị hóa tại các khu dân cư, cùng biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng nắng nóng, khô hạn kéo dài… Đây là những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ cao trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Thực tế này đặt ra một yêu cầu hết sức quan trọng trong công tác PCCC. Tuy vậy, phương tiện và lực lượng phục vụ cho công tác PCCC tại địa phương hiện còn không ít khó khăn và bất cập. 

 

 Đường giao thông bị lấn chiếm làm nơi buôn bán kinh doanh nhưng phương tiện, trang thiết bị chữa cháy tại chỗ không đảm bảo thì việc tiếp cận đám cháy và chữa cháy gặp nhiều khó khăn.

Từ tháng 8/2010 đến tháng 8/2015, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra 150 vụ cháy lớn, nhỏ, làm 6 người chết, 20 người bị thương với tổng tài sản thiệt hại 24,6 tỉ đồng. Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, cả tỉnh đã xảy ra hơn 10 vụ cháy nổ với tài sản thiệt hại đã vượt xa tài sản thiệt hại trong 5 năm qua… Cá biệt có vụ cháy gây thiệt hại tài sản lớn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Qua thống kê, gần 60% các vụ cháy nổ xảy ra do bất cẩn trong quá trình sử dụng lửa hay sự cố điện…

Thực tế cho thấy, tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh hay khu vực dân cư đông đúc, nằm ở các đường hẻm nhỏ, đường giao thông bị lấn chiếm làm nơi buôn bán kinh doanh nhưng phương tiện, trang thiết bị chữa cháy tại chỗ không đảm bảo thì việc tiếp cận đám cháy và chữa cháy gặp nhiều khó khăn.

Thượng tá Đặng Ngọc Hùng-Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Gia Lai cho biết: “Tại địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều vụ cháy xảy ra mà lực lượng chức năng chúng tôi cũng gặp một số khó khăn, bất cập. Nhất là trong các khu dân cư, giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là tại các con hẻm, cách cả hàng trăm mét xe không vào được cho nên phải dùng vòi dẫn nước vào chỗ cháy nên việc triển khai phương án chữa cháy rất khó khăn. Nguồn nước cũng là vấn đề nan giải, có những vụ cháy xảy ra, chúng tôi phải quay về đơn vị để lấy nước chứ tại cơ sở, khu vực dân cư hay khu vực gần đó không có nguồn nước”.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Gia Lai hiện có gần 150 cán bộ, chiến sĩ công tác tại các đơn vị ở Tp.Pleiku, thị xã An Khê và AyunPa. Những năm qua, đơn vị được trang bị 17 xe chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và xe chuyên dùng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có trên 1.400 đội dân phòng và đội PCCC cơ sở. Tuy vậy so với yêu cầu công tác PCCC, chất lượng hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng còn yếu; lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp của tỉnh hiện còn nhiều thiếu thốn và lạc hậu, nhất là phương tiện trực tiếp cứu chữa đám cháy. Do vậy chưa đáp ứng yêu cầu chữa cháy khi có cháy lớn, cháy nhà cao tầng cũng như thực hiện nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ.

Về vấn đề này Thượng tá Đặng Ngọc Hùng-Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Gia Lai nêu: “Tôi nghĩ nếu trên địa bàn tỉnh cùng lúc xảy ra 1-2 vụ cháy lớn thì chắc chắn phương tiện, lực lượng của đơn vị sẽ rất khó đáp ứng những sự cố lớn như vậy. Chúng tôi cũng muốn các cơ quan cấp trên quan tâm đầu tư hệ thống giao thông, nhất là những nơi giao thông tập trung đông người, khu vực trọng điểm nguy cơ về cháy nổ, đầu tư hệ thống cấp nước chữa cháy công cộng, tốt nhất là xây dựng các bể nước chữa cháy công cộng để thuận lợi cho việc chữa cháy của lực lượng chuyên môn. Ở Tp.Pleiku có thể cải tạo các trụ nước chữa cháy để chúng tôi có thể sử dụng bất cứ lúc nào khi có cháy xảy ra. Bởi thời gian vừa rồi, có những lúc nước không có trong hệ thống đường ống ở các trụ nước chữa cháy nên cũng gây khó khăn trong việc cứu chữa cháy”.

Khi nguy cơ cháy nổ ngày càng tiểm ẩn nhiều yếu tố phức tạp thì mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân cần luôn nêu cao ý thức và trách nhiệm trong công tác chủ động PCCC. Bởi khi công tác PCCC được thực hiện tốt và lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ được đảm bảo thì sẽ góp phần hạn chế tối đa các vụ cháy nổ xảy ra./.

Thiên Thanh-Lê Thư – Đặng Trà


Lượt xem: 4468

Trả lời