Nhọc nhằn gieo chữ vùng cao

Cập nhật 16/10/2018, 15:10:00

Thật khó có thể nói hết những khó khăn và vất vả của những người giáo viên dạy học nơi vùng núi xa xôi. Nhưng vượt lên tất cả, họ vẫn đang từng ngày cần mẫn “gieo mầm” cho những ước mơ của các em học sinh ở vùng gian khó. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai” đó cũng là suy nghĩ của các thầy cô giáo đang ngày ngày mang con chữ lên đỉnh Pyâu xa xôi, giữa bốn bề bao quanh là núi thẳm rừng sâu. Sau đây hãy cùng chúng tôi đến với câu chuyện của những thầy cô giáo tại điểm trường Pyâu, thuộc trường Tiểu học Lơ Pang- một trong những điểm trường khó khăn nhất của xã Lơ Pang, huyện Mang Yang.

Bắt đầu 1 tuần học mới, các thầy cô thuộc trường Tiểu học Lơ Pang lại chuẩn bị hành trang để đến với học trò tại điểm trường trên đỉnh Pyâu. Đường xa và còn cả những con dốc thẳng đứng luôn chực chờ thử thách tay lái của các thầy cô. Hành trang của người thầy bên cạnh những quyển giáo án còn là thức ăn cho 1 tuần làm việc. Vượt qua quãng đường 12km với gần 2 tiếng đồng hồ đầy khó nhọc, con chữ trên vai cũng trở nên nặng trĩu…

Điểm trường làng Pyâu hiện có 1 lớp học mầm non và 3 lớp ghép bậc Tiểu học với tổng số 95 học sinh và 4 giáo viên. Những lớp học đã cũ, những bàn ghế gỗ bị lung lay, giữa bộn bề thiếu thốn, nhưng với học trò của mình, các thầy cô lại có rất nhiều nhẫn nại và tình thương. Có lẽ bởi vậy mà sĩ số lớp học lúc nào cũng đều.

 Thầy giáo Phạm Duy Nguyên – Giáo viên Trường Tiểu học Lơ Pang, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang cho biết: ‘Vốn từ của các em còn thiếu thốn rất nhiều, đa phần dạy học phải dịch từ tiếng bahnar sang tiếng phổ thông để các em hiểu. Cơ sở vật chất đều là các thầy cô mua cho các em. Vì tình thương chúng tôi hàng ngày bắt tay các em viết, chỉ cho các em học, từng em một. Phải làm đồ dùng trực quan để các em hiểu hơn về kiến thức”.

Ngôi nhà công vụ vừa được tỉnh Gia Lai và chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ xây dựng lại đã phần nào cải thiện đời sống của các thầy cô. Ngôi nhà nhỏ vừa là nơi sinh hoạt vừa là nơi soạn những bài học mới cho học sinh. Ngoài sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, có lẽ nỗi sợ lớn nhất với các giáo viên là nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình da diết mà chỉ có tình yêu nghề mới có thể giữ chân họ lại nơi đây.

Cô giáo Đặng Thị Hiền – Giáo viên Trường Tiểu học Lơ Pang, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang chia sẻ: “Có những lúc cũng cảm thấy buồn và nhớ nhà nhưng các thầy cô cũng cố gắng vượt qua, nhờ được đồng chí Bí thư tỉnh ủy quan tâm chúng tôi đã có sóng điện thoại đã có thể liên lạc về với gia đình. Chúng tôi cũng mong muốn có đầy đủ cơ sở vật chất để đảm bảo công tác giáo dục của mình”.

Em Khăch – Điểm Trường làng Pyâu, Trường Tiểu học Lơ Pang, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang nói: “Em rất quý các thầy cô. Em sẽ cố gắng học giỏi để không phụ lòng thầy cô”.

Nhiều năm gắn bó tâm huyết với mảnh đất gian khó, với các thầy cô nơi đây, cũng như nhiều giáo viên sẵn sàng ở nơi vùng sâu, vùng xa này, đều nỗ lực vì một giấc mơ, mong sao các em học sinh đều được tới trường, được học tập, để có một tương lai tươi sáng, một cuộc sống ấm no hơn. Chỉ có lòng yêu nghề mến trẻ, sự hy sinh thầm lặng mới có thể giúp họ trụ vững và “chèo đò” miệt mài cùng năm tháng./.

Nhâm Dung, Huy Toàn


Lượt xem: 121

Trả lời