Nhiều vấn đề quan trọng được phân tích, làm rõ tại phiên thảo luận chung tại hội trường

Cập nhật 06/12/2018, 13:12:37

Sáng nay (6/12), Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI tiếp tục chương trình làm việc với phiên thảo luận chung tại hội trường. Chủ trì phiên thảo luận có các đồng chí: Dương Văn Trang – Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Phan Chung – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, PCT Thường trực HĐND tỉnh; Ayun H’Bút – Tỉnh ủy viên, PCT HĐND tỉnh.

Qua tổng hợp của Đoàn Thư ký kỳ họp, trong phiên thảo luận tại tổ đã có 147 lượt ý kiến tham gia với nhiều vấn đề được đại biểu quan tâm. Các ý kiến đã bày tỏ sự đồng tình cao với các báo cáo của HĐND và UBND tỉnh. Hầu hết các ý kiến cho rằng: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết, thống nhất, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, năm 2018, Gia Lai đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch; kinh tế – xã hội tiếp tục phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh giữ vững ổn định. Bên cạnh nhận định, đánh giá những kết quả đã đạt được, đồng chí Dương Văn Trang– Chủ tọa kỳ họp nhấn mạnh: Các đại biểu cần tập trung phân tích những hạn chế, tồn tại và đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu mà tỉnh đề ra trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã thu hút nhiều ý kiến quan tâm của các đại biểu. Theo đó, tỉnh cần rà soát lại quy hoạch một cách bài bản các loại cây trồng chủ lực ở từng khu vực để khai thác các tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp của từng địa phương. Đặc biệt là đẩy mạnh quá trình liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nông sản.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch – Bí thư Thị ủy An Khê nêu: “Các huyện, thị phía Đông đang gặp khó khăn đối với cây mía và cây mì, lúng túng trong chuyển đổi cây trồng. Trong các đợt tiếp xúc cử tri chúng tôi đau đáu với cử tri là trồng cây gì, trồng như thế nào. Người dân mong muốn định hướng của nhà nước, cơ quan chức năng. Rà soát quy hoạch lại cây trồng gắn với vùng nguyên liệu của nhà máy, đánh giá quá trình đầu tư, hỗ trợ của nhà máy đối với nông dân; bỏ những quyết định quy hoạch không còn phù hợp. Quy hoạch bài bản về cây ăn trái, dược liệu, rau, hoa”.

Cần sớm có giải pháp đột phá và chiến lược bài bản để phát triển du lịch mang sắc thái riêng của tỉnh Gia Lai cũng là vấn đề được các đại biểu cho ý kiến. Một số đại biểu cho rằng, việc liên kết vùng để phát triển du lịch cần được chú trọng.

Ông Trương Văn Đạt – Bí thư Huyện ủy Kbang phát biểu: “Phát triển du lịch chúng ta có Nghị quyết của Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh. Yếu nhất là khâu xây dựng sản phẩm du lịch, quảng bá, tổ chức liên kết, đầu tư hạ tầng, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho người quản lý, làm du lịch là khâu yếu. Đề nghị bổ sung giải pháp căn cơ về vấn đề này”.

Trong phiên thảo luận tại hội trường, một số đại biểu cũng đề xuất các giải pháp nhằm  giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống cho người dân vùng nông thôn, vùng DTTS. Đại biểu đề nghị, tỉnh cần có cơ chế, chính sách đặc thù để ưu tiên tuyển dụng công chức, viên chức là con em người DTTS, qua đó góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người DTTS tại địa phương.

Về vấn đề này bà Rơ Châm H’Phik- Phó Chủ tịch HĐND huyện Chư Pah cho rằng: “Để tạo điều kiện cho sinh viên người DTTS dự thi và trúng tuyển công chức, viên chức  thì chúng ta thực hiện theo Nghị định. Chúng ta vẫn tổ chức thi, cùng đề, cùng phòng nhưng trong chỉ tiêu phân bổ thì quy định rõ ràng, ví dụ 100 người thì người DTTS chiếm 20%. Trong những người DTTS thi tuyển thì lấy từ trên xuống thấp để người DTTS có cơ hội trúng tuyển”.

Để giải quyết vấn nạn “tín dụng đen”, các đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung luật và nghị định hướng dẫn liên quan để các ngành chức năng có sự đồng bộ, thống nhất trong việc xử lý, tránh sự lệch pha giữa các quy định của luật và nghị định. Bên cạnh sự vào cuộc chủ lực của ngành Công an thì rất cần sự chung tay cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tố giác, phối hợp của mỗi người dân trong việc xử lý vấn nạn này. Cũng liên quan đến vấn đề trật tự an toàn xã hội, sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy cũng đặt ra nhiều trăn trở đối với các đại biểu.

Đại tá Phan Thanh Tám – Phó Giám đốc Công an tỉnh nói: “Phải nói rằng, việc cai nghiện chưa cao, đây là nguyên nhân dẫn đến việc chưa thể giải quyết căn cơ tội phạm ma túy. Đáng báo động là ma túy tổng hợp, dễ sử dụng, sử dụng đông làm gia tăng số đối tượng liên quan đến ma túy tăng. Cai nghiện Mathadone chỉ dành cho ma túy truyền thống chứ không dành cho ma túy tổng hợp”.

Chiều nay, các đại biểu tiếp tục thảo luận chung tại hội trường, thực hiện quyền chất vấn và trả lời chất vấn, đồng thời nghe lãnh đạo UBND tỉnh giải trình làm rõ nhiều vấn đề các đại biểu quan tâm trước khi biểu quyết thông qua các nghị quyết và bế mạc kỳ họp.

Thiên Thanh – Kim Châu- Thanh Sáng – R’Piên


Lượt xem: 37

Trả lời