Nhiều tồn tại trong thực hiện cải cách hành chính

Cập nhật 16/8/2016, 09:08:13

Đẩy mạnh cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, nhất là trong năm 2016- Năm cải cách hành chính. Mặc dù đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực song công tác cải cách hành chính vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập cần sớm được giải quyết. Đó cũng là ghi nhận của đoàn giám sát HĐND tỉnh qua các đợt giám sát về cải cách hành chính vừa được thực hiện.

 Đẩy mạnh cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, nhất là trong năm 2016- Năm cải cách hành chính. Mặc dù đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực song công tác cải cách hành chính vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập cần sớm được giải quyết. Đó cũng là ghi nhận của đoàn giám sát HĐND tỉnh qua các đợt giám sát về cải cách hành chính vừa được thực hiện.

16.8 nhieutontai

Trong số hơn 36.100 hồ sơ giải quyết bị quá hạn ở cấp huyện, tỉnh trong 5 năm qua, có không ít xuất phát từ sự thiếu tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Nơi làm việc của bộ phận một cửa ở UBND xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh. Văn phòng này không đáp ứng được yêu cầu về diện tích, thiết kế cũng như trang thiết bị phục vụ cho bộ một cửa theo quyết định số 09/2015 của Chính phủ. Cùng với đó, việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính vẫn chưa đảm bảo. Đây cũng là tình trạng chung của không ít cơ quan, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Từ đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả giải quyết công việc cho người dân.

Ông Ngô Văn Thiêm,  Phó Chánh văn phòng UBND huyện Chư Pưh cho biết: “UBND huyện cũng đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc về các quy định, thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến thời hạn giải quyết và trả kết quả. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, cơ sở vật chất phục vụ tại bộ phận 1 cửa và 1 cửa liên thông còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu theo quyết định mới của Chính phủ, đồng thời đội ngũ cán bộ, công chức làm việc còn thiếu, trình độ kỹ năng chuyên môn chưa cao”.

Hạn chế về cơ sở vật chất chỉ là một phần, điều quan trọng nhất để thực hiện thành công cải cách thủ tục hành chính vẫn là đội ngũ cán bộ công chức, viên chức- Những người trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc cho người dân. Đã từ lâu, thái độ sách nhiễu, gây khó khăn của đội ngũ thực thi công vụ đã trở thành chuyện “nói mãi”. Song đến nay, khi đẩy mạnh cải cách hành chính, tình trạng này vẫn tiếp tục là điều người dân phản ánh. Và chắc chắn, trong số hơn 36.100 hồ sơ giải quyết bị quá hạn ở cấp huyện, tỉnh trong 5 năm qua, có không ít xuất phát từ sự thiếu tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ này.

Ông Vũ Tiến Anh,  Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh cho biết: “Một điều quan trọng nữa mà đoàn giám sát nhận thấy là vai trò của cán bộ công chức, cái tâm của cán bộ thực thi công vụ trong giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức vẫn còn hạn chế. Vẫn còn 1 bộ phận không nhỏ cán bộ vẫn còn gây sách nhiễu cho nhân dân/ Phải nói rằng tình trạng “cò” vẫn còn trong thủ tục hành chính, thứ nhất là trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc giao dịch đảm bảo ở các văn phòng đăng ký quyền sở dụng đất, việc thẩm định hồ sơ xây dựng cơ bản, vẫn còn chậm”.

Đây là hạn chế cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị của tỉnh, đặc biệt là ở cấp cơ sở nếu muốn thực hiện thành công nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2011- 2020 do Chính phủ ban hành.

“Qua 2 đợt giám sát ở các địa phương chúng tôi nhận thấy ở các địa phương, cơ quan đơn vị cần phải tuyên truyền nhiều hơn nữa đối với cán bộ công chức làm việc ở bộ phận 1 cửa. Thực hiện cơ chế luân chuyển cán bộ phục vụ nhân dân ở bộ phận 1 cửa.  Những người làm tốt là cơ sở để đánh giá cán bộ công viên chức xét tuyển sau này. Những cán bộ thường xuyên sách nhiễu người dân cũng phải mạnh dạn thay đổi môi trường làm việc. Đặc biệt là tổ chức đánh giá mức độ hài lòng của người dân khi đến làm việc tại các cơ quan đơn vị nhà nước”,ông Vũ Tiến Anh nói .

Việc đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị là một trong những thước đo quan trọng và là động lực để thực hiện thành công cải cách hành chính. Tuy nhiên thời gian qua nội dung này vẫn chưa được thực hiện. Đây nên là điều cần được các cơ quan, đơn vị chú trọng thực hiện gắn với cải cách hành chính trong thời gian tới./.

Ngô Thanh, Minh Trí, Huy Toàn


Lượt xem: 3935

Trả lời