Nhiều nông dân Kbang đầu tư trồng Bí đỏ vụ Đông xuân.

Cập nhật 08/11/2013, 08:11:57

Sau khi thu hoạch xong diện tích bắp vụ 1 và một số diện tích bắp vụ 2 gieo trồng sớm, bà con nông dân trên địa bàn huyện Kbang đã xuống giống cây Bí đỏ. Nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, đồng thời đượcchăm sóc phòng trừ sâu bệnh hại, nên cây Bí đỏ sinh trưởng và phát triển khá tốt.

 

Cán bộ kỹ thuật Trạm Bảo vệ thực vật huyện Kbang hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ sâu bệnh hại trên cây Bí đỏ.

 

 

Cuối tháng Tám âm lịch, bà con nông dân một số địa phương trong huyện tranh thủ cày bừa đất, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xuống giống Bí đỏ cho kịp thời vụ. Đến nay, Bí đỏ đã được hơn 1 tháng, hiện đang sinh trưởng và phát triển khá tốt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên Bí đỏ xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh gây hại, nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời thì sẽ bị ảnh hưởng đến năng suất.

 

Qua trao đổi với chúng tôi. ông Lê Quí Vinh-Tổ dân phố 2, thị trấn Kbang, huyện Kbang nói: “Sau khi gia đình tôi thu hoạch bắp, đất còn ướt, thời tiết thuận lợi, gia đình tôi tranh thủ xuống giống Bí. Bí của tôi trồng gần được 1 tháng rồi nhưng bị bọ trĩ, côn trùng phá. Tôi nhờ Trạm Bảo vệ thực vật huyện xuống hướng dẫn gia đình tôi chăm sóc ruộng Bí này để tránh thiệt hại cho gia đình”.

 

Trong vụ Đông Xuân 2013 – 2014, ngoài diện tích trồng lúa, bắp, mì… thì các địa phương trong huyện còn phấn đấu xuống giống khoảng 200 héc ta cây Bí đỏ. Tính đến cuối tháng 10, toàn huyện đã  trồng được hơn 100 héc ta Bí đỏ. Đây là loại cây dễ trồng, có khả năng chịu lạnh tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, không kén đất, có thể cho năng suất cao … nhưng đòi hỏi cần phải đầu tư, chăm sóc tốt, đặc biệt là tuân thủ nghiêm ngặt qui trình kỹ thuật mới đưa lại hiệu quả cao.  Để giúp bà con nông dân phòng trừ kịp thời, tránh ảnh hưởng đến năng suất, Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn  bà con nông dân.

Ông Trương  Văn Tuất-Cán bộ kỹ thuật Trạm Bảo vệ thực vật huyện Kbang cho biết: “Hiện nay,  thời tiết trên địa bàn huyện Kbang rất phù hợp để xuống giống Bí, đất rất tốt bởi vì đất đang trong điều kiện đủ ẩm để cho bà con xuống giống đồng loạt. Để hạn chế được tình hình sâu bệnh hại xảy ra trên diện tích sản xuất Bí, trong quá trình xuống giống đề nghị bà con xuống tập trung và đồng loạt để tránh nhà trước nhà sau dễ gây hiện tượng sâu bệnh hại lây lan ra diện rộng, những diện tích xuống giống thì phải quản lý sâu bệnh hại”.

 

Cùng với việc làm đúng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, bà con nông dân cũng cần chú ý một số vấn đề khác như: thường xuyên giữ độ ẩm cho Bí sinh trưởng, phát triển tốt, nhất là thời kỳ ra hoa đậu quả; chú ý phòng trừ sâu bệnh kịp thời cho Bí, nhất là bọ trĩ, sâu ăn lá, bệnh lở cổ rễ….

 

Trao đổi về vấn đề này ông Trương  Văn Tuất-Cán bộ kỹ thuật Trạm Bảo vệ thực vât huyện Kbang cho biết thêm: “Trong quá trình sản xuất bà con nên kiểm tra thường xuyên để phát hiện được các đối tượng sâu bệnh gây hại chính trên cây Bí và trong giai đoạn này là giai đoạn cây con, bà con chú ý đến bọ trĩ gây hại thì bà con có thể dùng 1 trong các loại thuốc như Atstara, Konfido để phòng trừ; hiện tượng bệnh lở cổ rễ thì bà con nên chú ý xử lý đất kỹ trước khi trồng; những cây bị bệnh thì nhổ bỏ để tỉa dặm vào cho phù hợp với mật độ hoặc dùng 1 trong các loại thuốc sau để phòng trừ như Monsren, Riddomin sịt ở gốc để hạn chế bệnh lở cổ rễ”.

 

Hiện nay, cùng với việc chăm sóc và bảo vệ diện tích trồng sớm, bà con nông dân trên địa bàn huyện cũng đang tiếp tục xuống giống Bí đỏ. Nhưng để mang lại  hiệu quả cao thì bà con nông dân nên chú ý đến các biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa dịch hại. Nếu chăm sóc đúng qui trình, ngoài thu quả bà con nông dân có thể tận thu thêm từ nụ, hoa và ngọn bí, đây cũng sẽ là một nguồn thu nhập không nhỏ cho bà con nông dân ./.

                                                                      

 

 

Ctv: Thúy Điểm


Lượt xem: 211

Trả lời