Nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy do thiếu giáo viên mầm non

Cập nhật 25/9/2018, 09:09:46

Mặc dù năm học mới đã diễn ra được gần 1 tháng song việc nuôi dạy trẻ ở các Trường Mầm non trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn khi mà hầu hết các trường đều rơi vào tình trạng thiếu giáo viên.

Trong khi chỉ tiêu biên chế không đáp ứng được mà việc xã hội hóa để có nguồn kinh phí hợp đồng giáo viên cũng gặp không ít khó khăn. Phóng sự thực hiện tại Trường Mầm non xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah.

Với lớp học 33 trẻ, một mình cô giáo Phạm Thị Thương phải làm tất cả mọi việc. Ngoài việc trông, dạy trẻ trên lớp cô phải cùng với nhân viên cấp dưỡng của nhà trường cho trẻ ăn bữa trưa; rồi sau đó dọn dẹp và chuẩn bị các đồ dùng, vật dụng cho các cháu nghỉ trưa. Và đến buổi chiều lại quay trở lại với việc trông trẻ trên lớp.

Cô giáo Phạm Thị Thương, Trường Mầm non xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah cho biết: “Những năm học trước được Nhà nước tăng cường 2 cô một lớp, 1 biên chế và 1 hợp đồng nhưng năm nay từ đầu năm học đến giờ là 1 mình tôi phụ trách lớp 5 tuổi với 33 cháu. Nói chung công việc rất là vất vả. 6h30’ là tôi phải có mặt để đón trẻ và từ sáng đến chiều tất cả mọi hoạt động của trẻ đều do 1 mình tôi phụ trách mà lớp thì đông mà trong khi các cháu rất hiếu động”.

Trường Mầm non xã Nghĩa Hưng có 10 lớp song chỉ có 10 giáo viên biên chế đứng lớp. Nếu so với quy định Trường đạt chuẩn Quốc gia thì còn thiếu 7 giáo viên. Trong khi đó nhà trường có 6 lớp học bán trú dân nuôi với 162 học sinh. Để đảm bảo cho công tác nuôi dạy trẻ bán trú, nhà trường thu mỗi học sinh 80.000 đồng/tháng. Số tiền này ngoài việc lo cơm trưa cho trẻ thì chỉ đủ hợp đồng 2 nhân viên cấp dưỡng, 1 giáo viên và hỗ trợ thêm 500 ngàn đồng cho mỗi giáo viên khi dạy cả ngày. Dù nằm ở vùng thuận lợi của huyện Chư Pah nhưng việc huy động xã hội hóa để phục vụ cho công tác nuôi dạy trẻ gặp nhiều khó khăn vì nếu thu nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh và vướng đến vấn đề lạm thu.

Cô giáo Dương Thị Nở, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah  nói: “ Để đảm bảo cho việc chăm sóc trẻ ngày càng được tốt hơn thì tôi cũng mong rằng các cấp quan tâm giúp bố trí giáo viên đảm bảo cho bậc Mầm non theo quy định của Trường chuẩn là giáo viên đứng lớp bán trú là 2 cô một lớp”.

Hiện nay, huyện Chư Pah còn thiếu gần 200 giáo viên; trong đó, chủ yếu thiếu ở bậc Mầm non. Hiện Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện đang tìm các giải pháp tháo gỡ nhằm đảm bảo cho công tác nuôi dạy trẻ, nhất là đối với các lớp 5 tuổi.

Ông Phạm Quang Long, Phó Trưởng Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Chư Pah cho biết: “Trong chương trình mầm non 5 tuổi thì tối thiểu là phải 2 cô một lớp. Và để thực hiện tiêu chí này thì ngành cũng tham mưu cho UBND huyện bố trí giáo viên giảng dạy những lớp học này. Đối với những vùng thuận lợi thì thực hiện xã hội hóa giáo dục, huy động các bậc cha mẹ học sinh tổ chức được cho trẻ học 2 buổi/ngày”.

       Việc thiếu giáo viên đang là thực trạng của các địa phương trong tỉnh. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác giảng dạy ở các đơn vị trường học, nhất là ở bậc Mầm non. Và rất cần các cấp, ngành quan tâm giải quyết được vấn đề trên./.

Đức Hải; Huy Toàn


Lượt xem: 381

Trả lời