Nhân dân Gia Lai tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới

Cập nhật 19/11/2019, 07:11:43

Xây dựng nông thôn mới là chương trình Nhà nước và nhân dân cùng làm; trong đó, người dân đóng vai trò chủ thể trực tiếp tham gia và thụ hưởng. Nhờ phát huy tốt vai trò của nhân dân trong 10 năm qua mà Gia Lai từ một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhân hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 21/11 sắp tới, chúng ta cùng nhìn lại những thành tựu quan trọng, đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới 10 năm qua trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Để có được những con đường bê tông kiên cố, kéo dài đến tận từng thôn, làng, ngõ xóm…  Hay những nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng rộng rãi, đầy đủ trang thiết bị với kinh phí hàng trăm triệu đồng… thì ngoài sự hỗ trợ một phần của nhà nước, người dân các thôn, làng ở xã Glar đã hăng hái đóng góp phần còn lại. Điều đáng nói là việc đóng góp xây dựng nông thôn mới cũng được bà con thực hiện một cách linh động, hợp lý.

Ông Bùi Quang Thoại – Cán bộ Địa chính – Nông nghiệp xã Glar, huyện Đak Đoa, Gia Lai cho biết “Người dân, nhất là bà con DTTS trên địa bàn xã rất tích cực tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Sự tham gia của bà con được đánh giá cao ở tinh thần trách nhiệm và tự nguyện. Trong làng khi mà triển khai công trình gì cần đóng góp là sẽ lấy ý kiến và chia việc đóng góp ra thành nhóm. Nhóm A là những hộ có điều kiện kinh tế nhất, đóng góp nhiều nhất. Nhóm B sẽ là hộ trung bình đóng ít hơn, còn nhóm C là hộ khó khăn, chỉ góp công…”

Cũng chính từ việc đóng góp vật chất, sức lực để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng mà người dân ở đây cũng xem các công trình này như chính tài sản của gia đình mình. Mỗi người đều ra sức giữ gìn, bảo vệ, không để bị hư hỏng.

Ông Wut – Trưởng Ban công tác mặt trận làng Đơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, Gia Lai nói: “Lúc đầu thì mình vận động nhưng mà sau là bà con tự ý thức, chỗ nào hư hỏng, đọng nước, hay rác bẩn là bà con tự xử lý.”

Không chỉ ở vùng thuận lợi mà phong trào “Gia Lai chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” còn được đông đảo người dân ở những vùng khó, vùng dân tộc thiểu số tích cực tham gia. Ở huyện nghèo Kông Chro người dân không chỉ đóng góp tiền, hiến đất để xây dựng các công trình mà còn tích cực tham ngày công nhằm vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo chất lượng. Như nhà rông làng Hle Hlang được xây dựng với số tiền trên 800 triệu đồng; trong đó, nhà nước chỉ hỗ trợ hơn 150 triệu, còn lại nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công để tự làm. Nhờ đó mà nhà rông sau khi hoàn thành rất khang trang, rộng rãi và mang đậm bản sắc người đồng bào Bahnar, đảm bảo phục vụ cho nhu cầu văn hóa, văn nghệ, hội họp của hàng trăm người dân trong làng.

Anh Đinh Que – Làng Hle Hlang, xã Yang Trung, huyện Kông Chro, Gia Lai cho biết “Bà con ở đây rất ý thức, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Như xây nhà rông hay đường làng, mình chỉ cần vận động là bà con tham gia ngay. Vì nó phục vụ lợi ích cho mình mà…”

Qua 10 năm thực hiện chương trình, nhân dân trên địa bàn tỉnh đã hiến gần 820.000 m2 đất, đóng góp trên 1,1 triệu ngày công lao động và hơn 2.000 tỷ đồng để tham gia thực hiện các hợp phần, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, người dân còn tích cực đẩy mạnh phát triển sản xuất với những mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương và của cả tỉnh.

Ông Trần Văn Văn – Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Gia Lai nói “Người dân chính là chủ thể của chương trình, là trụ cột của chương trình. Nhà nước và các tổ chức khác chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Trong giai đoạn vừa rồi đã cho thấy vai trò của người dân. Như là đóng góp, tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tự chỉnh trang lại nhà cửa, nuôi dạy con gái, tự thu gom rác thải…cũng chính là những hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới…”

Hiện nay tỉnh Gia Lai đã có 58/184 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến cuối năm 2019, có thêm 14 xã nữa đạt chuẩn. Đặc biệt thành phố Pleiku đã được Thủ tướng Chính phủ  công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đây là thành tựu quan trọng chào mừng 90 năm đô thị Pleiku và là động lực để thành phố tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đối với thị xã An Khê toàn bộ 5/5 xã cũng đã hoàn thành chương trình xây dựng  nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 có từ 1, đến 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song để sớm hoàn thành được các mục tiêu đề ra trên phạm vi toàn tỉnh,  rất cần sự chung sức, đồng lòng của người dân trong thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới./.

Đức Hải – Ngọc Hà – Viễn Khánh – Ksor Tuối


Lượt xem: 53

Trả lời