Người lưu giữ nghề làm nhạc cụ truyền thống của người Jrai

Cập nhật 19/10/2018, 10:10:52

Là một người con Jrai, từ nhỏ được tiếp xúc nhiều với các hoạt động văn hóa truyền thống tại buôn làng nên tình yêu đối với các giai điệu về Tây Nguyên cũng như các loại nhạc cụ truyền thống đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Rơ Châm Khánh. Bằng tình yêu đối với âm nhạc, chàng thanh niên người Jrai sinh năm 1989 này đã say sưa tìm tòi, sáng tạo thêm nhiều loại nhạc cụ dân tộc, qua đó góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống đã có nguy cơ bị mai một như hiện nay.

Từ đôi tay khéo léo, tỉ mỉ và tình yêu, sự sáng tạo, những sản phẩm của anh Khánh chế tác luôn được đánh giá cao.

Tầng hầm có diện tích khá khiêm tốn chính là nơi hằng ngày anh Rơ Châm Khánh dành nhiều thời gian để nghiên cứu và sáng tạo ra các loại nhạc cụ dân tộc. Ấp ủ từ những ngày còn học ở Khoa Nhạc cụ, hệ Trung cấp, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, phải đến năm 2014, Rơ Châm Khánh mới có thể bắt đầu gây dựng một xưởng chế tác nhạc cụ cho riêng mình. Nói là xưởng bởi ở đây có đầy đủ các loại dụng cụ, máy móc phục vụ cho việc chế tạo nhạc cụ của Khánh. Tưởng chừng bỏ cuộc vì gặp quá nhiều khó khăn về thời gian, công sức và nguồn vốn đầu tư nhưng với niềm đam mê sâu sắc, Khánh đã hiện thực hóa ước mơ và cũng từ nơi đây, nhiều nhạc cụ độc đáo đã ra đời không chỉ thỏa mãn đam mê chơi nhạc cụ của riêng Khánh mà còn phục vụ nhu cầu biểu diễn, sưu tầm của du khách gần xa.

Anh Rơ Châm Khánh, Thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, Gia Lai chia sẻ: “Đến nay tôi đã làm được hơn chục loại đàn truyền thống của người Tây Nguyên như Tơ Rưng, đàn đá, klong put, đinh pơng, sáo… Và tôi cũng chế tạo ra được các loại đàn mới như đàn Happy (đàn Gas) từ vỏ bình gas. Tôi tự tìm hiểu, tự nghiên cứu nên càng mất nhiều thời gian hơn. Đối với tôi, nhạc cụ truyền thống như máu thịt vậy, mặc dù làm mất nhiều thời gian, tỉ mỉ lắm nhưng tôi vẫn say mê”.

Để làm được những loại nhạc cụ hay, có chất lượng âm thanh đảm bảo đòi hỏi ở anh Khánh lắm tâm tư và công sức. Từ việc chọn tre nứa ở tận tỉnh Kon Tum đến công đoạn phơi, sơ chế đều được anh dụng công thực hiện. Từ đôi tay khéo léo, tỉ mỉ và tình yêu, sự sáng tạo, những sản phẩm của anh Khánh chế tác luôn được đánh giá cao. Song song với đam mê riêng là chế tạo nhạc cụ truyền thống, Rơ Châm Khánh còn đem cả niềm đam mê, sở thích để phục cụ công tác chuyên môn tại Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Thể thao huyện Đức Cơ.

Ông Nguyễn Vũ Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Thể thao huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Rơ Châm Khánh là một trong số ít người trẻ tuổi tại địa phương có niềm yêu thích và có năng khiếu sáng tạo ra các loại nhạc cụ truyền thống. Đây là một điều đáng quý và chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện bởi đây cũng là điều góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của người Jrai. Các loại nhạc cụ của anh làm ra được sử dụng rất nhiều tại các hội diễn, triển lãm”.

Không chỉ gói gọn ở các loại nhạc cụ truyền thống, Rơ Châm Khánh còn trăn trở phải làm sao để kết hợp hài hòa giữa giai điệu truyền thống và các loại nhạc cụ mới. Do đó, anh đã tìm đến nhiều loại chất liệu mới để sáng tạo ra nhạc cụ như vỏ bình gas, thủy tinh, nước…

“Mình sẽ cố gắng tận dụng mọi loại chất liệu để chế tác nhạc cụ. Mong muốn của mình là thể hiện âm nhạc truyền thống của dân tộc thông qua các loại nhạc cụ mới mà không làm mất đi đặc trưng của nó. Từ đó tạo môi trường biểu diễn đa dạng, phong phú, tạo nên sức sống mới cho âm nhạc truyền thống trong đời sống hiện đại. Tôi chỉ mong là chính quyền, địa phương dành nhiều hơn nữa sự quan tâm đến các hoạt động văn hóa để nó không bị mất đi”,anh Rơ Châm Khánh nói.

Ngô Thanh, Minh Trung


Lượt xem: 404

Trả lời