Nghĩa Hòa, Chư Pah đẩy lùi nạn tảo hôn trong đồng bào DTTS

Cập nhật 12/12/2018, 14:12:31

Vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã tồn tại như một tập quán cố hữu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, không những vi phạm pháp luật, mà nó còn gây ra hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Do đó, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực tuyên truyền, vận động nhằm giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS. Đến nay, tại nhiều địa phương, vùng DTTS tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã không còn.

Làng Kênh, xã Nghĩa Hòa tuy còn nằm trong danh sách các thôn, làng đặc biệt khó khăn được tỉnh và Trung ương hỗ trợ nhưng những năm gần đây đời sống của nhân dân trên địa bàn đã có nhiều thay đổi và khởi sắc so với trước.

Trong làng, hầu như gia đình nào cũng đã có cà phê, lúa rẫy để cuộc sống được ổn định hơn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của làng giảm đáng kể qua từng năm. Bên cạnh sự chuyển biến về đời sống kinh tế, nhận thức của người dân trong làng, nhất là về vấn đề xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư và cho con cái đến trường đầy đủ đã được nâng lên nhiều so với trước đây.

Nếu như trước đây, nhiều gia đình vẫn còn tâm lý cho con cái lấy chồng, lấy vợ sớm thì bây giờ suy nghĩ này đã dần bị đẩy lùi, những ông bố, bà mẹ người Jrai ở đây đã có cách nghĩ khác ngày xưa nhiều.

Anh Rơ châm Mế, Làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah, Gia Lai chia sẻ:  “Con cái mình đứa nào nó cũng đi học hết, đứa lớn nhất nó đang học lớp 7 rồi. Mình không muốn nó lấy chồng, lấy vợ sớm đâu, khổ lắm. Phải học để mà sau này có nghề nghiệp, đi làm cho có tương lai. Không lấy chồng, lấy vợ sớm làm gì hết”.

Cặp vợ chồng chị Rơ châm H’Peo  lấy nhau được hơn 5 năm và đã có hai đứa con. Họ kết hôn khi cả hai đều trên 20 tuổi. Không chỉ riêng họ mà hầu hết thanh niên trong làng mấy năm gần đây đều kết hôn ở tuổi này trở lên. Thành vợ, thành chồng khi đã đủ tuổi pháp luật cho phép, nhận thức về gia đình và xã hội cũng khá đầy đủ và chín chắn khiến cho những cặp vợ chồng trẻ này biết cách để xây dựng gia đình, chăm lo phát triển kinh tế để có được cuộc sống ổn định hơn.

Những vườn cà phê, hồ tiêu, những ruộng lúa nước cho năng suất cao cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn nhờ những gia đình trẻ mạnh dạn đầu tư, phát triển và đã dần thay thế cho các loại cây trồng kém hiệu quả như mì, lúa rẫy…

Chị Rơ châm H’Peo, Làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah, Gia Lai cũng cho biết: “Vợ chồng mình lấy nhau khi mà đã đủ tuổi kết hôn rồi. Về sống với nhau cũng hòa thuận, chăm lo làm ăn để mà nuôi dạy con cho tốt, kinh tế gia đình ngày càng phát triển”.

Ông Phạm Duy Khánh, Cán bộ tư pháp xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah, Gia Lai cho biết: “Những năm qua, các ban ngành, đoàn thể của xã cũng đã tập trung tuyên truyền, vận động nhằm đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Qua đó, thì nhận thức của người dân về vấn đề này đã được cải thiện rõ rệt”.

Từ năm 2015 đến nay, tình trạng tảo hôn đã không còn xảy ra tại làng Kênh nói riêng và xã Nghĩa Hòa nói chung. Nhờ đó, đã giúp địa phương hoàn thành được những nhiệm vụ đặt ra trong phát triển kinh tế xã hội và đẩy mạnh thực hiện các chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Ngọc Hà, Ksor Tuối


Lượt xem: 127

Trả lời