Nghề thổi hồn vào gỗ

Cập nhật 31/1/2023, 11:01:25

Không biết tự bao giờ, người xưa tin rằng gỗ sẽ bảo tồn được năng lượng của cuộc sống. Quả thật, năng lượng đó không những là vẻ đẹp về nghệ thuật, mà còn ẩn chứa các giá trị văn hóa, triết lý sâu sắc, những khát vọng về cuộc sống bình an, sung túc, đủ đầy…. được thể hiện một cách sống động và ý nghĩa qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân.

Những phôi gỗ sần sùi, vô tri… qua quá trình lao động đầy sáng tạo của người thợ, nó đã có một sức sống và giá trị mới về nghệ thuật, văn hóa, tư tưởng…, để rồi mỗi một tác phẩm hoàn thiện đều mang một sắc thái, ý nghĩa, sự tinh tế và ngôn ngữ riêng.

Nghệ nhân Vũ Hữu Trọng chia sẻ: “Đây tôi đang chế tác một tác phẩm là Phật Di Lặc chúc phúc bằng chất liệu gỗ pơ mu. Với ông Di Lặc, nụ cười luôn luôn mang đến nụ cười hoan hỉ và mong mọi người lúc nào cũng tươi cười, vui vẻ trong cuộc sống. Còn với cái bụng to, lúc nào cũng mang tính chất hạnh phúc và may mắn, con người vô tư, hoan hỉ lúc nào cũng cười. Trong bức tượng Phật Di Lặc cái khó thể hiện nhất khi chế tác là ở khuôn mặt, đòi hỏi phải có hồn, nụ cười phải tươi và hoan hỉ, hình thể phải cân đối”.

Con người luôn khát vọng có một cuộc sống viên mãn, mong muốn đạt được trọn vẹn 3 điều cơ bản là tốt lành, thịnh vượng, khỏe mạnh và sống lâu. Vậy nên, tượng “Tam đa” được người chơi chú ý nhiều, nhất là những phôi gỗ có sự “cộng tác của tự nhiên” đã giúp người thợ nâng thêm giá trị tác phẩm.

Nghệ nhân Vũ Hữu Trọng cho biết: “Tôi đục ba ông Phúc – Lộc – Thọ này có gốc cây ôm sẵn cục đá, mình ví như đây là thỏi vàng, đây là ông Lộc luôn mang đến tiền tài và may mắn thì vận dụng theo thế gỗ và cho ông bưng thỏi vàng, mang đến nhiều tiền vàng và may mắn cho gia chủ”.

Rồng gắn liền với người Việt qua truyền thuyết “Con Rồng, cháu Tiên”, về 54 dân tộc anh em cùng trong một bào thai; và rồng được biết đến như một linh vật quyền uy, mang năng lực tâm linh siêu nhiên, đại diện cho quyền lực, mạnh mẽ, tự do, may mắn và thăng tiến. Sự hiện diện của rồng trong nhà là thể hiện khát vọng vươn lên của người chơi.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mạnh nói: Trước mắt mình phát họa, hình dung điểm đầu nằm ở đâu, rồi chân, tay, đuôi để cho nó cân đối với phôi gỗ. Như tác phẩm này, cái đầu nằm ở đây, người nó uốn uốn đây, đuôi ở đây, nhìn nó cân đối và hài hòa.

Thường thường rồng là bay trên mây, nên phải bố trí mấy dải mây, bố trí thêm tí đá, mây gió thêm sinh động, hay là viên ngọc bám ở chân cho đẹp. Con rồng có tích từ rất xưa rồi, nó mang lại cho gia chủ ước vọng may mắn.

Bên cạnh các tác phẩm truyền thống, người thợ hiện nay đã dịch chuyển sang nhóm đề tài khác, tuy ít chịu ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo, nhưng cũng thể hiện rất rõ ước mơ, khát vọng về một cuộc sống sung túc, đủ đầy mà tác phẩm “Bình – Chum – Nho – Sóc” sau đây là một ví dụ.

Nghệ nhân Vũ Đức Mạnh cho biết “ Cái này chúng tôi phải lựa sản phẩm phôi là nu hương, nhưng phải là nu nhiều thì mới giá trị, chứ còn nu lưa thưa một hai hột thì lại bình thường. Chúng tôi làm như này mang ý nghĩa Ngũ sóc ăn nho ấm no hạnh phú. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, sóc và nho thường mang ý niệm về ấm no hạnh phúc, nên rất nhiều người chuộng cái này. Nghề của chúng tôi là cứ bố trí trông sao cho hài hòa, có cả nấm linh chi, bát vàng, bao tiền nè… thì nó có nghĩa  thêm tài lộc”.

Tượng gỗ – Một thú vui tao nhã, nhưng có thể mang thông điệp về triết lý nhân sinh, về thế thái nhân tình, cũng có thể gởi gắm khát vọng vươn tới đỉnh cao của tri thức, hay mơ ước về cuộc sống bình an, sung túc, đủ đầy… Tất cả đều được người thợ sáng tạo, thổi vào đấy một sự sống với bao hoài bão, khát vọng về cuộc sống tốt đẹp./.

Minh Thanh, Viễn Khánh


Lượt xem: 11

Trả lời