Ngành y tế Gia Lai ứng phó với bão số 4 (siêu bão Noru)

Cập nhật 28/9/2022, 16:09:14

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh Gia Lai về việc triển khai cấp bách các biện pháp ứng phó với bão số 4 (bão Noru), Sở Y tế đã kịp thời ban hành Công văn số 3281 chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh triển khai nhanh các biện pháp ứng phó với diễn biến bất thường do bão gây ra, trong đó đặc biệt lưu ý các cơ sở y tế lên kế hoạch trực cấp cứu 24/24 giờ phục vụ người dân trước, trong và sau bão.

Do ảnh hưởng của bão số 4 (bão Noru), xã Ia Mlah là một trong 5 địa phương của huyện Krông Pa dự báo nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở và sụt lún đất. Chính vì vậy ngay từ sáng hôm qua (27/9), 29 thành viên thuộc các ban, ngành, đoàn thể của xã Ia Mlah đã họp triển khai nhanh các biện pháp ứng phó với bão.

Bác sĩ Kpă Híp, Trưởng Trạm Y tế xã Ia Mlah, huyện Krông Pa cho biết: “Trạm triển khai họp phân công anh em tự đảm bảo quân số, sẵn sàng trực khi có tình huống xảy ra bất thường. Trạm cũng phối hợp với Ban Chỉ đạo của xã, theo dõi diễn biến tình hình của bão như thế nào để ứng phó kịp thời. Thứ hai nữa Trạm Y tế chuẩn bị sẵn cơ số thuốc, vật tư, băng, bông, cồn, gạc và một số cơ số thuốc kháng sinh đường ruột”.

Ngoài 14 Trạm Y tế xã, thị trấn của huyện Krông Pa lên phương án trực khi có bất thường xảy ra do ảnh hưởng của bão thì Trung tâm Y tế huyện Krông Pa còn chủ động kiện toàn các đội cấp cứu cơ động, nhận nhiệm vụ khi cần thiết, hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu.

 Bác sĩ Trương Thanh Liêm, PGĐ TTYT huyện Krông Pa cũng cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, UBND huyện TTYT đã tiến hành thành lập tổ cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng thường trực 24/24 để cấp cứu và hỗ trợ trong trường hợp có bão lũ xảy ra. Đồng thời chỉ đạo các Trạm Y tế thường trực sẵn sàng hỗ trợ trong công tác cứu nạn”.

Cùng với rất nhiều nhiệm vụ cần triển khai, các cơ sở y tế trên địa bàn Tp. Pleiku cũng đã sẵn sàng đáp ứng thu dung, cấp cứu, điều trị,… cho bệnh nhân trong mọi tình huống.

Bác sĩ Lê Thị Hoài, Phó Trạm Y tế phường Yên Đỗ, Tp. Pleiku nói: “Trạm tổ chức khám chữa bệnh, cấp cứu cho nhân dân trước và sau bão, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm và xử lý các xúc vật chết, các biện pháp vệ sinh để phòng dịch bệnh như tiêu chảy, bệnh về mắt có thể xảy ra trước, trong và sau mưa lũ”.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp – TTYT Tp. Pleiku cho biết: “Dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế và các ban, ngành cấp trên, TTYT đã chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho công tác phòng, chống mưa bão. Chỉ đạo cho các khoa phòng,  22 Trạm Y tế sẵn sàng trực cấp cứu 24/24 đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho nhân dân kịp thời không để gián đoạn. Thứ 3 là tổ cấp cứu lưu động sẵn sàng trên tinh thần trực cấp cứu và khi có lệnh thì hỗ trợ và điều động ngay trong quá trình thực hiện”.

Bão số 4 (siêu bão Noru) ảnh hưởng gần như khắp khu vực Bắc Tây Nguyên, vì vậy Sở Y tế tỉnh Gia Lai yêu cầu các bệnh viện cần chủ động máy nổ để phát điện đề phòng mất điện diện rộng khi đang cấp cứu cho bệnh nhân. Cùng với đó sau lũ lụt, công việc của cán bộ y tế cơ sở hết sức nặng nề do phải xử lý môi trường, tránh để các loại dịch bệnh bùng phát. Do vậy toàn ngành y tế cần chủ động nguồn hóa chất để nước rút đến đâu cùng với người dân xử lý môi trường đến đó./.

Lệ Xuân, R’Piên, CTV Sơn Trung, Bá Bính


Lượt xem: 7

Trả lời