Nét đẹp của bức phù điêu trên quảng trường Đại đoàn kết

Cập nhật 11/6/2014, 15:06:26

Giữa quảng trường Đại đoàn kết quanh năm gió lộng, bức phù điêu bao quanh tượng Bác Hồ luôn gây được sự chú ý của người xem. Đây là bức phù điêu bằng đá với đường nét chạm khắc vô cùng tinh tế mô tả, phản ánh đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Không chỉ có vậy, bức phù điêu hiện đang giữ kỷ lục Ghinet  Việt Nam với tổng diện tích 600m2, chiều cao trung bình khoảng 12m và chiều rộng trải ra đến 62m. Để có được một tác phẩm đặc sắc như vậy, Hội đồng nghệ thuật công trình Quảng trường Đại đoàn kết đã tập trung không ít thời gian, tâm sức hoàn thiện công trình. 

 

Bức Phù điêu phía sau tượng Bác.

 

Từ hàng trăm năm trước đây, đồng bào các dân tộc trên khắp 5 tỉnh ở khu vực Tây nguyên đã có cuộc sống vật chất và tinh thần khá đa dạng, phong phú. Cùng với đó, bằng truyền thống yêu nước nồng nàn, đồng bào ở Tây Nguyên còn đoàn kết một lòng sát cánh với Đảng, với Chính phủ đánh đuổi bè lũ xâm lược, chiến thắng giặc đói, giặc dốt. Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung hôm nay bừng lên một sức sống mới, sức sống của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Ghi nhớ công lao trời biển của chủ tịch Hồ Chí Minh và thoả ước nguyện được đón Bác vào Tây Nguyên của hàng vạn đồng bào các dân tộc trên vùng đất Bazan, được sự đồng thuận của Bộ Chính trị, Chính phủ, năm 2010, tỉnh Gia Lai triển khai xây dựng công trình tượng Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên đặt tại vị trí đắc địa nhất ở thành phố Pleiku xinh đẹp. Với chủ điểm lớn nhất, bao trùm nhất đó là tinh thần đại đoàn kết của toàn dân, trong quá trình làm tượng Bác cũng như xây dựng quảng trường, hầu hết các tác phẩm đặt tại quảng trường đều toát lên ý tưởng đại đoàn kết. Một trong những điểm nhấn về tinh thần đại đoàn kết đó là bức phù điêu bằng đá đặt sau lưng tượng Bác Hồ mô tả đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Tây nguyên trong suốt hành trình cả trăm năm song hành cùng dân tộc Việt. Bức phù điêu được chia làm ba phần cơ bản; đó là những hoạt động văn hoá truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên nằm ngay chính giữa; phía bên phải với nội dung "Tây Nguyên chiến đấu" và phía bên trái có nội dung "Tây Nguyên sản xuất".

 

Nói về ý tưởng làm bức phù điêu trong tổng thể công trình quảng trường, ông Phạm Thế Dũng, phó Bí thư Tỉnh uỷ, chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch Hội đồng nghệ thuật công trình tượng đài Bác cho biết: Bức phù điêu thể hiện được các yếu tố về đời sống vật chất lẫn tinh thần cũng như quá trình lao động sản xuất, quả cảm chiến đấu, chiến thắng kẻ thù của người dân là điều tỉnh đặt ra. Ý tưởng của tỉnh đưa ra là nên làm bức phù điêu có độ cong tương đối thay vì làm trên một mặt phẳng mang hình cánh hoa sen 8 cánh cách điệu và đã được các nhà khoa học tiếp thu vào thực tiễn. Bức phù điêu vẽ trên giấy đơn giản nhưng khi triển khai thực tế và nhất là thể hiện trực tiếp trên đá với độ cong nhất định lại là điều phức tạp mà chỉ có những thợ đục đá nhà nghề và những nhà khoa học làm các phép tính chính xác mới có thể thực hiện được.

Bức phù điêu đá hình cánh cung được tỉnh đặt hàng từ ý tưởng sáng tác của nhà điêu khắc Lê Lạng Lương được làm từ đá tự nhiên của Thanh Hoá với khối lượng trên 1000 tấn. Bức phù điêu được đặt trên bệ cao 1,5m mang một cái nhìn tổng thể; đó là hình hoa sen cách điệu, nhấp nhô như núi rừng Tây Nguyên, mặt trời và nhà rông.

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai kiểm tra việc xây dựng tại quãng trường Đại đoàn kết.

 

Trước khi làm bức phù điêu bằng đá như thế, tỉnh làm thực nghiệm ở nhiều mô hình khác nhau trên đất sét với tỷ lệ 1/1 và cuối cùng là chuyển sang Composite. Sau khi đảm bảo được độ an toàn và mỹ thuật trên mô hình, việc thực hiện tác phẩm được giao cho các nghệ nhân ở làng đá Ninh Vân, tỉnh Ninh Bình. Sau một thời gian dài thẩm định, kiểm tra và thử nghiệm bởi chính các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học, lịch sử và nhất là đội ngũ già làng, trưởng bản, bức tranh tạc trên đá lớn diện tích lớn nhất Việt Nam hoành thành với tổng diện tích 600m2, chiều cao trung bình khoảng 12m và chiều rộng trải ra đến 62m. Mặc dù tạc trên đá nhưng bức phù điêu có đường nét chạm khắc vô cùng tinh tế mô tả, phản ánh đầy đủ những sinh hoạt thường ngày cũng như trong chiến đấu, lao động, học tập của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên giữa đại ngàn cao nguyên với độ dài biên niên sử kéo đến hàng trăm năm. Đó là mái nhà rông với những vòng xoang bất tận, với hương rượu cần nồng nàn, với tiếng chiêng ngân xa 9 núi, 10 đèo, với những đêm kể khan bên bếp lửa chập chùng, với những tiếng đàn Tơ rưng rung động lòng người. Ngoài ra, giữa bao la mênh mông nét văn hóa đặc sắc nhất của các tộc người Jrai, Bahnar, Xê Đăng, Mơ Nông, Ê Đê…, còn điểm xuyết bởi hình ảnh từng người anh, người chị du kích các dân tộc trong hai cuộc kháng chiến và những thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội…

 

Ông Phạm Thế Dũng, phó Bí thư Tỉnh uỷ, chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch Hội đồng nghệ thuật công trình tượng đài Bác trao đổi thêm: Sau khi hoàn thành bức phù điêu bằng đá cách điệu hình những cánh sen ôm vòng quanh tượng Bác thì việc sắp xếp, bố trí giữa tượng Bác với bức phù điêu cũng là điều được tính toán từ trước. Chính vì vậy, tỷ lệ giữa tượng Bác với bức phù điêu được xem là tỷ lệ vàng với sự tương ứng, cân xứng khoa học. Theo các nhà phong thuỷ hàng đầu Việt Nam nhận định thì vị trí Bác nơi đứng là vị trí đắc địa nhất: Huyệt Huyền Vũ, bên tả có rồng bay, bên hữu có hổ trắng phò trợ, ở giữa là ấn Minh Đường. Và việc sắp xếp để một bên là bức thư bằng đá, một bên là trụ đá đại đoàn kết và quảng trường là ấn Minh Đường được xem là cách kết nối hài hoà, hợp lý. Tất cả các yếu tố nói trên đều làm cho toàn bộ quảng trường toát lên một ý tưởng lớn nhất đó là: Đại đoàn kết toàn dân tộc./.

 

Thu Thuỷ


Lượt xem: 717

Trả lời