Nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích canh tác

Cập nhật 10/8/2022, 16:08:28

Với mục tiêu nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích canh tác, không ít nông dân tại các địa phương trong tỉnh Gia Lai những năm gần đây đã bắt đầu chuyển đổi và trồng xen nhiều loại cây trồng trên cùng một diện tích nhằm tận dụng tối đa đất sản xuất để thu lợi tốt nhất. Mô hình trồng xen của gia đình ông Phạm Văn Liêm, ở thôn Ninh Hòa, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông là một điển hình.

Trên diện tích 01 ha cà phê được trồng năm 2019 theo mô hình của dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi, đến nay ông Liêm đã trồng xen thêm nhiều loại cây ăn quả. Hiện tại, một số loại đã cho thu hoạch và đều đặn mùa nào cũng có sản phẩm để bán.

Ông Phạm Văn Liêm – Thôn Ninh Hòa, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông cho biết: “Tôi có trồng xen sầu riêng, mít, vú sữa Hoàng Kim và 4 bên xung quanh thì có trồng thêm cau để làm hàng rào, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Mít thì năm vừa rồi cũng đã thu bói, rồi một số cây như táo, chanh cam. Tôi có xen 4, 5 loại cây như vậy”.

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ban đầu ông Liêm tính trồng xen cây ăn quả để có thêm thu nhập, đầu tư thêm cho vườn cà phê. Tuy nhiên với hiệu quả kinh tế mang lại, ông Liêm xem đây là hướng đi hợp lý, hướng đến sản xuất nông nghiệp hiệu quả và năm 2021 đã đầu tư trồng thêm 100 cây sầu riêng trên diện tích 01 ha cà phê già cỗi của gia đình dự định sẽ tái canh vào năm tới.

Ông Phạm Văn Liêm – Thôn Ninh Hòa, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông cho biết: “Tôi thấy cây ăn trái này mà trồng xen vào cây cà phê thì rất là có lợi. Thứ nhất là mang bóng mát cho cây cà phê, thứ hai là cũng tăng thêm thu nhập cho gia đình. Tôi sẽ tái canh hécta bên trên nữa và tôi cũng sẽ làm như dự án đây. Tôi sẽ trồng xen các loại cây ăn trái thêm vào”.

Chuyển đổi và mở rộng các loại cây trồng trên diện tích canh tác đồng nghĩa với việc nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất. Đến nay, trên địa bàn huyện Chư Prông có khoảng 2.388 ha cây ăn quả các loại. Và những mô hình trồng xen cây ăn quả để nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích canh tác được xem là một trong những hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; là tiền đề để địa phương phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản, giúp nông dân tăng thu nhập./.

Mỹ Tiến, R’Piên


Lượt xem: 13

Trả lời