Nạn tảo hôn ở Đăkpling

Cập nhật 23/9/2013, 08:09:16

Tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai, đã dẫn đến nhiều hệ lụy, đặc biệt là ảnh hưởng đến chất lượng dân số và nguy cơ đói nghèo cao, để lại những gánh nặng cho gia đình và xã hội. Xã ĐăkPling, huyện KôngChro là một trong những địa phương còn tồn tại khá phổ biến tình trạng này .

 

 

ĐăkPling là xã khó khăn nhất của huyện KôngChro. Nằm cách trung tâm huyện hơn 50 km, nằm ở dưới thung lũng, được bao bọc bởi những dãy núi cao, phía Đông giáp với huyện Đồng Xuân tỉnh Phú Yên và phía Bắc giáp với huyện Vân Canh tỉnh Bình Định. Toàn xã có 349 hộ, trong đó gần 100% là đồng bào Bahnar. Nơi đây còn tồn tại một số hủ tục lạc hậu, trong đó có nạn tảo hôn. Trường hợp  của Đinh Huy là một ví dụ:lấy chồng khi mới 15 tuổi, đến 17 tuổi thì có con. Cả hai cùng sinh ra ở một làng, lớn lên thích nhau nói gia đình tổ chức đám cưới. Cuộc sống của hai vợ chồng Huy sau khi lấy nhau rất khó khăn vì cả hai đều không có nghề nghiệp, chỉ có vài sào đất rẫy.

Chỉ tính trong 2 năm trở lại đây, toàn xã ĐăkPling có gần 30 trường hợp tảo hôn, trong đó có trường hợp tảo hôn mới chỉ có 14 tuổi. Hầu hết các trường hợp tảo hôn đều nghỉ học sớm, nhận thức về hôn nhân, gia đình còn rất hạn chế, chưa có nhiều kiến thức về làm cha làm mẹ. Như trường hợp Đinh Loan lấy vợ khi mới 17 tuổi và vợ anh khi ấy mới chỉ 16 tuổi. Đinh Loan nghĩ rằng nghỉ học giữa chừng rồi lấy vợ sớm là để giúp đỡ gia đình bớt khó khăn nhưng thực tế thì không phải vậy.

Còn Đinh Loan- làng Mèo Lớn- xã ĐăkPling tâm sự: Học tới lớp 9, em thấy gia đình nghèo quá em nghỉ học để giúp đỡ gia đình. Không ngờ cuộc sống gia đình em giờ lại thêm khó khăn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn thường xuyên diễn ra ở vùng khó khăn này là do chịu ảnh hưởng bởi những hủ tục lạc hậu, trong đó có nhiều trường hợp tảo hôn do gia đình ép buộc.                                                                    

Trao đổi với phóng viên ông Hoàng Đình Lơi- Bí thư Đảng ủy xã ĐăkPling nói: “Nạn tảo hôn ở xã cũng nhiều và phức tạp. Xã cũng thường xuyên tuyên truyền phổ biến các chính sách, pháp luật về hôn nhân, gia đình nhưng vẫn chưa ngăn chặn được tình trạng trên. Có trường hợp bố mẹ thấy con lớn rồi thì ép gã cho người khác.

Không chỉ tồn tại nạn tảo hôn mà ở xã ĐăkPling tình trạng sinh con thứ 3 trở lên cũng diễn ra khá phổ biến. Hiện tại ở xã có 58 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên trên tổng số gần 350 cặp gia đình hiện đang sinh sống. Như trường hợp chị Đinh Tu mới có 38 tuổi mà đã có đến 5 đứa con. Nạn tảo hôn và tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều gia đình ở ĐăkPling luôn trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo, lạc hậu. Hôn nhân trước tuổi đã dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe sinh sản. Nhiều đứa trẻ ở đây bị suy dinh dưỡng, nhiều cặp vợ chồng quá trẻ không có kiến thức và điều kiện để chăm lo cho con cái học hành. Tình trạng trên không chỉ diễn ra ở xã ĐăkPling mà còn diễn ra khá phổ biến ở các địa phương khác. Các ngành các cấp cần phối hợp để tăng cường phổ biến các chính sách, pháp luật về dân số, hôn nhân gia đình để giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn cũng như tình trạng hôn nhân cận huyết thống và sinh con thứ 3 trở lên để góp phần thực hiện tốt mục tiêu nâng cao chất lượng dân số./.

Hà Đức-R’Piên


Lượt xem: 94

Trả lời