Tỉnh Gia Lai long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập tỉnh, công bố và đón nhận Bằng di sản thiên nhiên thế giới, di tích văn hóa lịch sử tiêu biểu của tỉnh

Cập nhật 22/5/2022, 10:05:01

Hòa chung trong không khí vui tươi của cả nước chào mừng kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2022), tối qua, (21/5), tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh (24/5/1932 – 24/5/2022), công bố và đón nhận Bằng di sản thiên nhiên thế giới, di tích văn hóa lịch sử tiêu biểu của tỉnh.
Đồng chí Phạm Minh Chính – Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã về dự Lễ và chung vui với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai. Tham dự buổi Lễ còn có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương;  lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành ở Trung ương và nhiều tỉnh thành trong cả nước; đại diện Tổng lãnh sự, Lãnh sự quán các nước, lãnh đạo tỉnh Champasak (Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), Ratanakiri (Vương Quốc Campuchia), các chuyên gia, các nhà khoa học và các Khu dự trữ sinh quyển trong cả nước. Về phía tỉnh Gia Lai, tham dự buổi Lễ có các đồng chí: Hồ Văn Niên – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các Mẹ Việt Nam Anh hùng; các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các địa phương trong tỉnh; các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp, cùng đông đảo bà con Nhân dân tỉnh Gia Lai và du khách tham dự.

 Đồng chí: Hồ Văn Niên – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đọc diễn văn ôn lại quá trình 90 năm hình thành và phát triển của tỉnh Gia Lai.

 Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đã đọc diễn văn ôn lại quá trình 90 năm hình thành và phát triển của tỉnh Gia Lai. Gia Lai là vùng đất cổ xưa, từ “thuở bình minh” của loài người đã có mặt những tộc người cổ đến chinh phục và khai phá miền đất cao nguyên hùng vĩ. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Gia Lai đã có nhiều biến đổi, tạo nên sự đa dạng về thành phần các dân tộc, trong đó, hai dân tộc sinh sống lâu đời ở vùng đất này là dân tộc Jrai và Bahnar. Từ giữa thế kỷ XIX đến những năm đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã từng bước thiết lập bộ máy cai trị trên đất Gia Lai và thi hành khai thác thuộc địa, chiếm đoạt tài nguyên, chiếm đất đai lập đồn điền…  Sau nhiều lần thay đổi, sáp nhập, chia tách để thành lập các đơn vị hành chính trên vùng Tây Nguyên, ngày 24/5/1932, tỉnh Pleiku được thành lập (gồm đại lý Pleiku và đại lý Cheo Reo) theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương. Địa danh Gia Lai chính thức xuất hiện từ ngày 12/12/1932 với việc Vua Bảo Đại ra Chỉ dụ lập đạo Gia Lai. Tháng 6/1946, thực dân Pháp chiếm lại vùng đất Gia Lai và đặt tên tỉnh là Pleiku. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tên tỉnh được chính quyền Cách mạng gọi là “Gia Lai” cho đến năm 1975, nhưng địa giới hành chính của tỉnh có nhiều thay đổi qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử. Sau 2 lần sát nhập, chia tách với tỉnh Kon Tum, tên tỉnh Gia Lai được giữ cho đến nay. Trong bài diễn văn, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Trải qua 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống anh hùng, kiên cường, bất khuất và đoàn kết một lòng đánh đuổi quân xâm lược và giải phóng tỉnh nhà vào ngày 17/3/1975, góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Trải qua 2 cuộc kháng chiến, những tên đất, tên người và những địa danh trên mảnh đất Gia Lai đã đi vào những trang sử hào hùng trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh chung sức, đồng lòng, phấn đấu vượt qua những khó khăn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch và giành được những thành tựu to lớn trong công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, nhất là sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới.

Đồng chí Hồ Văn Niên – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai phát biểu khẳng định: “Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã mang lại cho núi rừng Bắc Tây Nguyên một luồng sinh khí mới. Cùng với cả nước, Gia Lai đã có bước chuyển mình đáng kể. Trong hơn 35 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, vận dụng sáng tạo đường lối, linh hoạt nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tích cực hợp tác, kêu gọi đầu tư phát triển. Do đó, kinh tế của tỉnh thường xuyên duy trì mức tăng trưởng khá: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2015 – 2020 đạt 7,55%, năm 2021 tăng 9,71%. Quy mô kinh tế tăng đáng kể, GRDP đến năm 2020 đạt 80.000 tỷ đồng, gấp 1,63 lần so với năm 2015, năm 2021 đạt 88.051 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 56,31 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 30,38%; công nghiệp – xây dựng chiếm 23,41%; dịch vụ chiếm 40,58%; thuế sản phẩm chiếm 5,63%. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2015 – 2020 đạt 104.402 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với giai đoạn 2001 – 2005, tăng bình quân hằng năm 13,95%, năm 2021 đạt 70.000 tỷ đồng”.

Cùng với những kết quả trên, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cũng nêu rõ: Sự thay đổi về diện mạo hạ tầng kinh tế – xã hội đã đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn và thu hút được rất nhiều nhà đầu tư đến với tỉnh nhà với 515 dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016 – 2020 với tổng số vốn đăng ký gần 833.000 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần về dự án và 36 lần về số vốn so với giai đoạn 2011 – 2015. Trong năm 2021 đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 54 dự án với tổng vốn đăng ký là hơn 21.600 tỷ đồng. Nhờ đó mà tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016 – 2020 đạt gần 21.600 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 7,02%; riêng năm 2021 đạt trên 7.880 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai cũng đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai và đạt được nhiều kết quả trong thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia lớn là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo. Đến nay, TP.Pleiku đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 2 địa phương là thị  xã An Khê và thị xã Ayun Pa đang hoàn tất hồ sơ công nhận; toàn tỉnh có 91 xã và 123 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,96%. Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa – xã hội của tỉnh có bước phát triển vượt bậc; cuộc sống của người dân không ngừng được nâng cao cả về vật chất và tinh thần; quốc phòng – an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia luôn được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được chú trọng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ qua các giai đoạn lịch sử. Với những thành tựu, kết quả đạt được qua 90 năm đấu tranh, xây dựng, trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Gia Lai đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Đồng chí Hồ Văn Niên – Ủy viên BCH Trung ương Đảng,  Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai phát biểu: “Nhìn lại chặng đường 90 năm lịch sử vẻ vang của tỉnh, chúng ta có quyền tự hào về những thắng lợi vĩ đại mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà đã giành được trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta tự hào về nhân dân các dân tộc Gia Lai anh hùng, bất khuất trong chiến đấu, cần cù và sáng tạo trong xây dựng quê hương, một lòng, một dạ đi theo con đường cách mạng của Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. Tự hào, phấn khởi với những thành tựu đạt được trong 90 năm qua cũng là dịp để chúng ta nghiêm túc chỉ ra những hạn chế, tồn tại nhằm đề ra biện pháp khắc phục và tiếp tục vững bước tiến lên trong thời gian tới. Chúng ta phải nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; năng lực tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, trọng tâm hướng vào phục vụ dân, tôn trọng dân, phát huy sức dân và chịu sự giám sát của Nhân dân. Tiếp tục phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận xã hội đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật. Quyết tâm xây dựng thế hệ cán bộ của tỉnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Đội ngũ cán bộ ấy phải có tài năng, phẩm chất, bám sát thực tiễn, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, có phong cách làm việc nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, làm có hiệu quả, đó cũng chính là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực nhất. Thưa quý vị đại biểu, thưa đồng chí, đồng bào!  Chặng đường 90 năm hình thành và phát triển của tỉnh tuy không dài so với chiều dài lịch sử của dân tộc, song những chiến công hiển hách trong kháng chiến, những thành tựu to lớn trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới là minh chứng hùng hồn cho ý chí kiên cường, bất khuất; tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phấn đấu vượt qua gian khổ, quyết tâm và khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phạm Minh Chính – Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, kết quả và thành tự to lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đạt được trong chặng đường 90 năm hình thành và phát triển.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phạm Minh Chính – Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, kết quả và thành tự to lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đạt được trong chặng đường 90 năm hình thành và phát triển. Từ một địa phương bị chiến tranh tàn phá nặng nề, cơ sở hạ tầng thấp kém, kinh tế lạc hậu, tự cung tự cấp, Gia Lai đã từng bước hồi sinh, phát triển mạnh mẽ. Trong đó, đáng ghi nhận là cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển khá đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm mạnh. Và Gia Lai đã trở thành một trong những “thủ phủ” mới của năng lượng tái tạo. Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tốc độ tăng trưởng cao, GRDP năm 2021 tăng 9,71%, đứng thứ 3 cả nước. Cùng với việc nêu ra một số tồn tại, hạn chế mà tỉnh Gia Lai cần tập trung khắc phục, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ những tiềm năng thế mạnh của Gia Lai mà địa phương cần tập trung khai thác để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, đưa Gia Lai phát triển nhanh và bền vững, như về: đất đai, khí hậu, văn hóa, du lịch.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu: “Để những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực to lớn đó được phát huy, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Gia Lai trở thành một tỉnh giàu mạnh, người dân được sống trong sung túc, bình yên và hạnh phúc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Gia Lai cần nỗ lực hơn nữa, đoàn kết hơn nữa, không ngừng đổi mới, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu của năm 2022 và những năm tiếp theo. Trước hết, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai tiếp tục gìn giữ, củng cố và vun đắp cho khối đoàn kết, tính thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận giữa các dân tộc; thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Quán triệt và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, trong đó có việc hiện thực hóa 17 chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2020 – 2025”.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Gia Lai tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì dân, gần dân, trọng dân gắn với tăng cường năng lực, phẩm chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch theo hướng phát triển bền vững; đa dạng hóa, huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược có trọng tâm, trọng điểm, có tính lan tỏa, kết nối vùng và vươn ra thế giới. Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh tiếp tục khai thác các tiềm năng, lợi thế, tập trung đầu tư phát triển du lịch, năng lượng tái tạo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến. Cùng với đó là quan tâm phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân; thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc; chú trọng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc; phát triển kinh tế – xã hội cần đặt trong sự bảo đảm về quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại; phát huy mạnh mẽ vai trò, vị thế của Gia Lai trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng bày tỏ tin tưởng về một tương lai đầy triển vọng trong thời gian tới tỉnh Gia Lai sẽ là một trong những địa phương phát triển bền vững, toàn diện ở Tây Nguyên và cả nước.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu nhấn mạnh: “Gia Lai của chúng ta có một lịch sử đáng tự hào, một tương lai đầy triển vọng. Với những thành tựu đạt được, những kinh nghiệm đã tích lũy được suốt mấy chục năm xây dựng, trưởng thành, nhất là với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, như lời thơ của tác giả Thiên Ân: “Cao nguyên lộng gió bạt ngàn. Bốn mùa mát mẻ thiên đàng là đây”. Tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai sẽ từng bước vượt qua khó khăn, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên tất cả các mặt, xứng đáng là một trong những địa phương phát triển bền vững, toàn diện ở Tây Nguyên và cả nước. Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Trung ương sẽ luôn đồng hành, ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Gia Lai phát triển, giàu mạnh và bền vững”.

Trong không khí vui tươi của buổi lễ, thay mặt khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, đồng chí Hồ Văn Điềm – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phát biểu thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh để cùng chung tay xây dựng quê hương Gia Lai ngày càng giàu mạnh.

Tại buổi lễ, tỉnh Gia Lai đã vinh dự được đón nhận Bằng công nhận, xếp hạng di sản thiên nhiên thế giới và di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu trên địa bàn. Trong đó, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp Quốc (UNESCO) đã trao Bằng Công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng. Đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 11 trong mạng lưới sinh quyển Việt Nam được thông qua tại Kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB – ICC) vào ngày 15/9/2021.

Tiếp đó, đồng chí Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đọc Quyết định số 93 ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, tỉnh Gia Lai. Và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đã trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho tỉnh Gia Lai. Dịp này, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng trao Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với di tích khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.

Đức Hải – Đoàn Bình – R’Piên – Huy Toàn


Lượt xem: 34

Trả lời