Series phóng sự Pleiku xưa và nay: Pleiku trong thơ ca

Cập nhật 26/5/2022, 07:05:55

Nhiều người ví von rằng: Nếu Tây Nguyên là miền đất thương nhớ, miền cảm hứng sáng tác thơ ca, thì phố núi Pleiku như một “Nàng thơ” đỏng đảnh khiến bao thi sỹ phải thổn thức, say mê. Có lẽ vậy, mà đã có rất nhiều tác phẩm thơ, nhạc nổi tiếng  viết về Pleiku được đông đảo công chúng đón nhận.
Tiếp nối series phóng sự Pleiku xưa và nay, mời quý độc giả cùng cảm nhận nét đẹp của đất và người Pleiku qua những tác phẩm thơ, ca đã gọi tên phố núi Pleiku nhớ mãi cùng năm tháng. 

Tập 2: Pleiku trong thơ ca

…“Em Pleiku má đỏ môi hồng,

   Ở đây buổi chiều quanh năm mùa động…”

                                                               (Còn chút gì để nhớ – Vũ Hữu Định)

       Có lẽ, không chỉ riêng người dân ở Pleiku, Gia Lai mà bất kỳ ai đã một lần đến với phố núi, được nghe những vần thơ, giai điệu mượt mà ấy thì lòng không khỏi bồi hồi, xuyến xao. Thật khó để lý giải được vì sao như thế, chỉ biết rằng, từ lâu: thơ ca, hội họa đã trở thành một “gia vị” rất riêng, làm đậm đà hơn chất trữ tình, mộng mơ… cho thành phố cao nguyên này. Bà thơ “Còn chút gì để nhớ”, của Cố nhà thơ Vũ Hữu Định đã được phổ nhạc thành bài hát cùng tên – Bằng những vần thơ nhẹ nhàng, sâu lắng, tác giả đã khắc họa vẻ đẹp Pleiku sau màn sường mù lãng đãng, ở đó có người con gái Pleiku má đỏ môi hồng, làm bao bước chân lữ khách bâng khuâng…

     

Thi sỹ làm thơ, viết nhạc về phố núi Pleiku có rất nhiều; mỗi người là một phong cách, một góc nhìn để cho ra đời những tác phẩm thơ, nhạc có phong vị riêng…

Nhạc sỹ Nguyễn Cường làm rung động trái tim bao người qua nhạc phẩm “Đôi mắt Pleiku”. Với âm hưởng Tây Nguyên đặc trưng; giai điệu mạnh mẽ, hoang dại nhưng cũng đầy chất thơ, người nhạc sỹ tài hoa đã viết nên một “đôi mắt Pleiku – Biển Hồ đầy” tuyệt đẹp, sống mãi theo năm tháng.

Còn với ông Xuân Ánh – người có hơn 30 năm gắn bó với từng con dốc liền dốc, hàng thông reo nơi phố núi. Trong mắt ông: Pleiku đẹp đến lạ.

Ông Xuân Ánh, xã Biển Hồ, Tp.Pleiku, Gia Lai chia sẻ: “Muốn nhìn thấu tận tâm hồn là phải qua đôi mắt, Nhạc sỹ Nguyễn Cường đã hình dung ra đôi mắt Pleiku vừa nghĩa bóng và nghĩa đen – Đó là bài hát “ Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”. Còn tôi đặt chân tới đất Biển Hồ Pleiku này bằng cây bút sắt, khắc những dòng chữ lưu niệm yêu thương đối với cha, hiếu kính với mẹ hoặc có những câu thơ tình đôi lứa… Và cũng chẳng hiểu vì sao đã gắn chặt duyên nợ với đất Biển Hồ nói riêng, Tp.Pleiku nói chung”.

Trong rất nhiều tác phẩm thơ, nhạc viết về Pleiku, cái tên “Ngọc Tường” có lẽ không còn xa lạ với bạn yêu âm nhạc. Ông đã có công đưa cái tên Pleiku trở thành một nơi “Chưa xa đã nhớ”, qua nhạc phẩm cùng tên.

Là người con đất võ Bình Định, nhạc sỹ Ngọc Tường đã đến rồi gắn bó, dành trọn tình yêu với phố núi Pleiku. Có lẽ vậy, mà nhạc sỹ dành nhiều ưu ái hơn trong các sáng tác của mình, như: “Pleiku thân yêu”, “Pleiku mùa xuân”, hay “Pleiku chưa xa đã nhớ”…. vẽ nên một bức tranh bằng âm nhạc, nói lên tâm tình của người nhạc sỹ gieo vào lòng người bao nhớ thương.

Nhạc sỹ Ngọc Tường cũng chia sẻ: “Duyên phận cuộc đời đưa Ngọc Tường đến với Pleiku, với Tây Nguyên. người ta nói “Chuyến đò nên nghĩa, bộ hành nên quen”… Ngọc Tường đã đến rồi gắn bó với Pleiku  suốt nhiều thập kỷ,  cũng là cái nôi nghệ thuật nuôi dưỡng cho bản thân mình, cho tâm hồn mình, giúp Ngọc Tường định hình phong cách sáng tạo. Quá trình đó là tình yêu, tình cảm thật sự của mình đối với con người và miền đất này mình mới có được”.

Nhạc phẩm “Pleiku chưa xa đã nhớ” được ví von là bản “tình ca” của phố núi. Bằng ca từ mộc mạc, giản dị; những giai điệu nhẹ nhàng sâu lắng đi vào lòng người nghe, nhạc sỹ Ngọc Tường đã giúp ta cảm nhận rõ hơn về một Pleiku tươi thắm nồng nàn, với Biển Hồ xanh trong; núi Hàm Rồng sương giăng neo bến trái tim

Nhạc sỹ Ngọc Tường nói: “ Pleiku có những quang cảnh độc đáo như không gian, khí hậu…Tình người Pleiku của chúng ta rất chân thành, phóng khoáng như gió núi, như mây ngàn…Và Pleiku chúng ta rất lạ là ở thì yêu, đi thì nhớ đến độ là một Pleiku chưa xa đã nhớ như Ngọc Tường viết:

“…Một pleiku chưa xa chưa xa đã nhớ, một pleiku lần đầu lần đầu mà yêu…”

Ca sỹ Y Ben cho biết: “Với Y Ben, là một người con của phố núi khi được hát ca khúc này thì bao cảm xúc như được dâng trào.  Y Ben nghĩ, với giai điệu mượt mà, ca từ đẹp đến vậy chỉ tiếng cây đàn Guitar của tác giả Nhạc sỹ ngọc Tường, đã đủ để Y Ben chạm đến cảm xúc, hát bằng tất cả trái tim “…

Pleiku nay đã khác xưa rất nhiều, nhưng khi bất chợt nghe một vài giai điệu cất lên, ta lại thấy lòng xao động, với bao cảm xúc sâu lắng, những hình ảnh Pleiku mộng mơ lại ùa về… lòng chợt nhận ra, tình yêu đối với vùng đất này thật giản dị; hiện hữu đâu đó trên từng con dốc phố, một buổi sáng mờ sương, một cơn mưa đầu mùa ngang qua đem đến cái se se lạnh đặc trưng của phố núi, để rồi níu giữ lòng người vấn vương.

Ngay cả những người như ông Xuân Ánh đã đi gần trọn cuộc đời, có hơn 3 chục năm gắn bó với vùng đất này – hình ảnh Pleiku vẫn đẹp vẹn nguyên như thuở nào.

Ông Xuân Ánh, xã Biển Hồ, Tp.Pleiku, Gia Lai chia sẻ thêm:Vẻ đẹp của thiên nhiên, tạo hóa đã ban tặng cho đất Pleiku này gọi là mê hồn, những lượt khách đến và khách đi luôn để lại nhiều luyến nhớ….

                      Thủy bộc sơn bao rất hữu tình

                      Mây vờn hồ biển sóng lung linh”…

Kim Ngân – Ksor Tuối – Mạnh Hà


Lượt xem: 55

Trả lời