Seri phóng sự “Pleiku xưa và nay” Nhà lao Pleiku – Những năm tháng không thể nào quên

Cập nhật 26/5/2022, 13:05:12

Chặng đường 90 năm hình thành và phát triển của tỉnh Gia Lai, trải qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn giữ vững niềm tin, anh dũng vượt qua biết bao khó khăn, thử thách. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhiều tên đất, tên người, nhiều địa danh đã đi vào lịch sử. Tiếp tục series phóng sự về “Pleiku xưa và nay”, mời quý độc giả cùng đến thăm Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia Nhà lao Pleiku –nơi ghi dấu chứng tích đầy bi hùng của những năm tháng đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc, là trường học cách mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân các dân tộc ở Gia Lai.

Nhà lao Pleiku – Những năm tháng không thể nào quên

Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng sự khốc liệt của những năm tháng bị giam cầm tại Nhà lao Pleiku vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của những cựu tù như ông Võ Ngọc Bửu ở phường Ia Kring, thành phố Pleiku.

Ngay tại Nhà lao này, năm 1969, ông Bửu được giao nhiệm vụ Bí thư Chi đoàn Thanh niên Cộng sản và vinh dự được Đảng bộ Nhà lao kết nạp vào hàng ngũ của Đảng năm 1970.

Giờ đây, mỗi lần thăm lại nơi này, ông vẫn không kìm nén được sự bồi hồi, xúc động kể cho các thế hệ trẻ nghe về những năm sống nơi địa ngục trần gian, về những thủ đoạn, cực hình tra tấn dã man của kẻ địch nhưng vẫn không khuất phục được lòng kiên trung, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm tại nhà lao này.

Ông Võ Ngọc Bửu kể chuyện với các cháu học sinh: “Trong thời gian kéo dài từ thời chống Pháp cho tới chống Mỹ nhà tù này đã từng giam hàng ngàn những người hoạt động cách mạng chống pháp và chống Mỹ bị bắt. Nhà tù này vẫn tổ  chức Đảng ủy, là hình thức tổ chức của Đảng mình để lãnh đạo tất cả các người tù yêu nước để đấu tranh, chiến đấu thời của Pháp cũng vậy, thời của Mỹ cũng vậy cho nên nhà Lao Pleiku này mới được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc Gia. Mình có cuộc sống hôm nay là vì có lớp người đi trước chiến đấu chống quân thù giành độc lập để cho đất nước chúng ta có được ngày hôm nay. Thế hệ của các cháu là cháu của ông được hưởng hạnh phúc đó thì phải phấn đấu, rèn luyện, học tập”.

Trong suốt 50 năm tồn tại (từ năm 1925-1975), Nhà lao Pleiku được biết đến là công cụ mà bọn thực dân đế quốc dùng để đàn áp, khủng bố những người yêu nước. Tại đây kẻ thù thực hiện chế độ giam cầm hà khắc, đày đọa về thể xác, truy bức về tinh thần hòng khuất phục ý chí của những người chiến sĩ cách mạng trong địa ngục trần gian. Nhưng âm mưu ấy của chúng đã hoàn toàn thất bại. Các thế hệ những người cộng sản bị giam cầm tại Nhà lao này đã thực sự biến nhà tù của địch thành trường học cách mạng. Và chính trong 4 bức tường nhà giam này nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh và cũng nhiều đồng chí đã trưởng thành và trở thành những người đảng viên cộng sản trung kiên.

Bất chấp cuộc sống thống khổ trong chốn lao tù, bất chấp cả những đòn tra tấn cực kỳ man rợ của địch, từ trong ngục tù, ngọn lửa lý tưởng cộng sản vẫn âm ỉ cháy rồi bùng lên để một Chi bộ, một Liên chi, rồi một Đảng ủy ra đời. Tổ chức Đảng trong nhà lao chẳng những đủ sức tập hợp, lãnh đạo phong trào đấu tranh trong nhà lao mà còn ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng bên ngoài.

Ông Võ Ngọc Bửu – Cựu tù chính trị  chia sẻ: “Mặc dù mình ở trong vòng giam cầm của nó nhưng tổ chức đảng mình vẫn hoạt động, vẫn lãnh đạo. Động viên anh em giữ vững chính trị tư tưởng để anh em yên tâm tin vào một ngày mai sẽ chiến thắng, đất nước mình sẽ thống nhất. Mình ở đây học tập nữa, tổ chức rèn luyện, nói chuyện với nhau về đảng, về âm mưu của kẻ thù. Tết Mậu thân lúc giam cầm nhiều nhất số tù chính trị mình khoảng gần 2 ngàn. Mình tập hợp lại số anh em trẻ, dưới 40 trở xuống phân công giao nhiệm vụ chăm sóc những người đau yếu, học tập trao đổi kinh nghiệm, phát triển đoàn viên. Mà ngụy nó rất kỵ tổ chức, tại vì có tổ chức là có sức mạnh cho nên nó tiêu diệt tổ chức, vì vậy mình phải giữ thật bí mật. Tuy rằng là một nhà lao tỉnh nhỏ nhưng mà có truyền thống, thời kỳ Pháp có tổ chức đảng lãnh đạo, đến thời kỳ Mỹ cũng có tổ chức lãnh đạo và thật sự ra là lãnh đạo có hiệu quả, giữ gìn được anh em tù đi theo đảng cách mạng đến cùng”.

Đến tham quan Nhà lao Pleiku, thế hệ trẻ mới càng thấu hiểu hơn độc lập tự do của đất nước hôm nay được xây đắp bằng sự hy sinh cao cả của lớp lớp cha anh đi trước, những con người đã làm lên những huyền thoại bất tử trong kháng chiến.

Em Lâm Tường Vy – Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, thành phố Pleiku nói: “Khi nghe ông kể thì em cảm thấy rất là hâm mộ các chiến sĩ. Em rất mến phục họ vì họ có ý chí sắt đá, tấm lòng kiên cường anh dung.  Hôm nay em đến đây xin thắp một nén hương để tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng về sự hi sinh anh dũng của họ để bảo vệ quê hương, đất nước. Chúng em sẽ ghi nhớ công ơn này và luyện ra sức học tập thật tốt để trở thành một người có ích cho xã hội”.

Chị Đặng Thị Thúy Hằng – Cán bộ phụ trách Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia Nhà lao Pleiku cho biết: “Hằng năm, tại đây đón rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến đây tham quan. Ngoài ra, nơi đây là một địa chỉ đỏ đã được các trường trên địa bàn Tp. Pleiku và các trường trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến đây cho các em tham quan, học tập. Đây là nơi giáo dục truyền thống cho các em, tổ chức kết nạp đoàn, kết nạp đội cho các em ngay tại đây. Các bác tù chính trị cũng về đây để dâng hoa và dâng những nén hương để tưởng nhớ lại các Liệt sĩ và các bác tù chính trị cũng thường xuyên đến khu di tích qua các cuộc trò chuyện với các em học sinh, sinh viên để các em biết được truyền thống bất khuất của dân tộc ta”.

Suốt nửa thế kỷ tồn tại, sau những cánh cửa ngục xưa kia là ý chí sắt đá, là tấm lòng kiên trung, anh dũng của những chiến sĩ cách mạng. Nơi đây vẫn luôn là những trang sử sống động ghi dấu những năm tháng không thể quên về chứng tích bi thương nhưng rất đỗi hào hùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc./.

Kim Châu – Lệ Xuân – R’Piên


Lượt xem: 22

Trả lời