Gia Lai – Dấu ấn 90 năm

Cập nhật 23/5/2022, 16:05:47

Tỉnh Gia Lai hội tụ những giá trị lịch sử, trầm tích văn hóa quý báu và giàu tiềm năng, cơ hội phát triển.Trải qua 90 năm qua kể từ khi thành lập (24/5/1932-24/5/2022), đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn, các thế hệ cán bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã bền bỉ nỗ lực, phấn đấu, vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, viết nên những trang sử chói lọi, lập nên những chiến công đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến và trong giai đoạn cách mạng mới; xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh, vững bước tiến lên trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế. Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai (24/5/1932-24/5/2022), Đài PT-TH Gia Lai trân trọng giới thiệu đến quý độc giả phóng sự về những dấu ấn của Gia Lai qua 90 năm xây dựng và phát triển!

 

 Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Gia Lai đã lập nên những chiến công vang dội, còn mãi sáng chói, tiêu biểu như những trận đánh: Đak Pơ, Pleime, Cheo Reo, Phú Bổn, Đường 7 sông Bờ… và những người con ưu tú của dân tộc như: Đinh Núp, A Sanh, Kpă Klơng, Thanh Minh Tám, Rơ Chăm Ớt …lưu danh sử sách. Với tinh thần kiên trung, anh hùng, bất khuất, Gia Lai đã viết nên khúc tráng ca khải hoàn trong sự nghiệp kháng chiến, đấu tranh giành độc lập, tự do, giải phóng tỉnh nhà vào ngày 17/3/1975, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước-ngày 30/4/1975.

Đồng chí Ngô Thành-Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai khẳng định: “ Qua cuộc kháng chiến chống Pháp, bước đầu chưa có gì, hay tay không và cho đến làm nên chiến thắng ở Gia Lai, nhất là Chiến thắng Đak Pơ, chiến thắng giải phóng toàn bộ, chỉ còn lại Cheo Reo với Pleiku là một thành tích vô cùng to lớn”.

          Giai đoạn 1975 đến năm 1991 ghi nhận sự nỗ lực vượt khó vượt bậc của Gia Lai trong khôi phục, phát triển kinh tế, khai hoang, xây dựng cánh đồng, sản xuất lương thực, cải tạo công thương nghiệp, định canh định cư; phát triển văn hóa, giải quyết nạn đói, đau, mù chữ cho nhân dân và đấu tranh, truy quyét bọn phản động Fulro… Với nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, kinh tế-xã hội của Gia Lai đã dần dần được khôi phục và có bước phát triển. Nhiều đại công trình như Thủy điện Ia Ly, Đại thủy nông Ayun Hạ… đã được xây dựng, góp phần tạo tiền đề vững chắc cho phát triển các giai đoạn tiếp theo… Từ năm 1991 đến nay, Gia Lai phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, kinh tế liên tục khởi sắc, thể hiện sự năng động, trí tuệ và sáng tạo của Đảng bộ tỉnh trong hoạch định đường lối, chủ trương để tháo gỡ những khó khăn, nút thắt, điểm nghẽn, trong đó đã khai thác tốt các tiềm năng, huy động nhiều nguồn lực, tích hợp nhiều chính sách, tranh thủ sự giúp đỡ quý báu của Trung ương để đầu tư phát triển. Tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh đã đạt được những con số rất ấn tượng, riêng giai đoạn 2016-2020 đạt 7,55%. Gia Lai đã trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư, nhất là trên các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi, công nghiệp chế biến, điện năng lượng tái tạo, du lịch. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thu hút, kêu gọi đầu tư vào địa bàn 515 dự án với tổng vốn đăng ký 832.925 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần số dự án và 38 lần số vốn đăng ký so với giai đoạn 2011-2015, tạo đà chinh phục các mục tiêu tăng trưởng chiến lược của tỉnh.

Ông Đinh Gia Nghĩa – PGĐ Công ty TNHH MTV Doveco Gia Lai cho biết: “Gia Lai đóng góp hơn 60% vào doanh thu xuất khẩu của chúng tôi, đây là vượt qua kỳ vọng của chúng tôi. Đây một phần lớn của nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các sở, ban, ngành đã đồng hành cùng chúng tôi trong quá trình đầu tư phát triển tại Gia Lai”.

Từ chỗ sau ngày giải phóng kinh tế kiệt quệ, văn hóa thấp kém, nhiều hủ lục lạc hậu còn tồn tại, Gia Lai đã liên tục đạt được những thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo, đến năm 2021 thu nhập bình quân đầu người ở Gia Lai đạt hơn 56 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,96%, có 91 xã và 123 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Gia Lai thực hiện tốt chủ trương phát triển kinh tế tương đồng với phát triển văn hóa, đi đôi với tiến bộ và cân bằng xã hội; giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc; thực hiện tốt công tác đối ngoại, giữ vững quốc phòng-an ninh, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai và công bố, đón nhận Bằng di sản thiên nhiên thế giới, di tích văn hóa lịch sử tiêu biểu của tỉnh vừa diễn ra tại TP. Pleiku, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu vượt bậc và những thành tựu to lớn của Gia Lai qua 90 năm hình thành và phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá: “Gia Lai của chúng ta có một lịch sử đáng tự hào, một tương lai đầy triển vọng. Với những thành tựu đạt được, những kinh nghiệm đã tích lũy được suốt mấy chục năm xây dựng, trưởng thành, nhất là với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, như lời thơ của tác giả Thiên Ân: “Cao nguyên lộng gió bạt ngàn. Bốn mùa mát mẻ thiên đàng là đây”. Tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai sẽ từng bước vượt qua khó khăn, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên tất cả các mặt, xứng đáng là một trong những địa phương phát triển bền vững, toàn diện ở Tây Nguyên và cả nước. Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Trung ương sẽ luôn đồng hành, ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Gia Lai phát triển, giàu mạnh và bền vững”.

Đồng chí Hồ Văn Niên, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HDND tỉnh Gia Lai cho biết: “Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Gia Lai xác định tập trung thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Hai là quán triệt nghiêm túc, vận dụng sáng tạo các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng để phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Ba là lãnh đạo thực hiện hiệu quả 04 Nghị quyết chuyên đề, cụ thể hóa 04 Chương trình trọng tâm của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; đồng thời thực hiện tốt Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, 03 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, về giảm nghèo bền vững, về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

          Gia Lai có vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh trong khu vực. Tự hào với những thành tựu vô cùng to lớn qua 90 năm xây dựng,trưởng thành và tương lai đầy triển vọng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với khát vọng không ngừng vươn lên, cán bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu “xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc, phấn đấu trở thành vùng động lực Tây Nguyên”./.

Hà Đức, R’Piên


Lượt xem: 10

Trả lời