Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm việc với tỉnh Gia Lai

Cập nhật 22/5/2022, 11:05:59

Tiếp tục chương trình làm việc tại tỉnh Gia Lai, sáng nay (22/5), đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với hệ thống chính trị tỉnh Gia Lai.
Tham dự buổi làm việc, về phía Đoàn công tác Chính phủ có: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Lê Minh Hoan; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục; Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đại diện lãnh đạo các Bộ: Văn hóa, Thể thao & Du lịch; Tài Nguyên & Môi trường; Giao thông Vận tải; Tài chính; Kế hoạch & Đầu tư; Ủy ban Dân tộc và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Về phía tỉnh tỉnh Gia Lai dự buổi làm việc có các đồng chí: Hồ Văn Niên, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ quán triệt một số nội dung trọng tâm của chương trình làm việc.

 Với tinh thần làm việc hiệu quả và khả thi, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ quán triệt một số nội dung trọng tâm của chương trình làm việc, trong đó trọng tâm nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, đối ngoại của tỉnh và một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo báo cáo được đồng chí Hồ Văn Niên, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai trình bày tại buổi làm việc: Đảng bộ tỉnh Gia Lai hiện có có 21 đảng bộ trực thuộc, 953 tổ chức cơ sở đảng, 3.490 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, tổng số đảng viên đến cuối tháng 3.2022 là 63. 549 đồng chí. Thời gian qua, với sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, linh hoạt của Đảng bộ tỉnh, các cấp, các ngành, cơ quan, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã thực hiện hiệu quả mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch Covid – 19 vừa duy trì, phục hồi phát triển kinh tế – xã hội, cơ bản thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị và đạt được một số kết quả quan trọng. Năm 2021, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 9,71% so với năm 2020; Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 7.881 tỷ đồng, đạt 173,1% dự toán Trung ương giao; Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 70.000 tỷ đồng, tăng 2,42 lần so với cùng kỳ; Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2021 của tỉnh đứng thứ 26 toàn quốc, tăng 12 bậc so với năm 2020. Toàn tỉnh có 7.982 doanh nghiệp, 358 hợp tác xã và 02 Liên hiệp Hợp tác xã. Trong quý I năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước đạt 7,08%. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục có bước phát triển; công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả quan trọng.  Công tác đối ngoại, duy trì tốt mối quan hệ truyền thống với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.

Trong báo cáo trình bày tại buổi làm việc, tỉnh Gia Lai đã nêu một số đề xuất, kiến nghị đối với Trung ương, Chính phủ liên quan đến công tác đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông và một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh:

Đồng chí Hồ Văn Niên, Ủy viên BCH Trung Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai nêu: “Về đầu tư đường cao tốc Pleiku – Quy Nhơn: Đề xuất với Trung ương, Chính phủ bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2026 – 2030 hoặc giao các ban, bộ, ngành Trung ương giúp tỉnh Gia Lai tìm đối tác để sớm triển khai trước năm 2030. Đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan giúp tỉnh Gia Lai thu hút vốn ODA, như: Dự án Phát triển hạ tầng giao thông thành phố Pleiku và các vùng động lực tỉnh Gia Lai sử dụng vốn vay Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và Dự án Đầu tư các công trình thủy lợi, giao thông sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB)…Công trình thủy lợi Ia Mơr, huyện Chư Prông: Theo thiết kế đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thì diện tích vùng tưới của công trình là 12.500 ha, riêng địa bàn tỉnh Gia Lai 8.500 ha. Tuy nhiên, qua thời gian dài thực hiện, nhiều Bộ luật, Nghị định và các chính sách thay đổi; tính đến thời điểm này, trong đó có 4.757,52 ha rừng tự nhiên cần phải chuyển đổi. Đề nghị Trung ương, Chính phủ cho phép tỉnh áp dụng quy định dự án đang triển khai nhưng phát sinh tiêu chí quan trọng quốc gia theo quy định tại Khoản 7, Điều 1, Nghị định số 02/2020/NĐ-CP, ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia”.

Cùng với đó, tỉnh Gia Lai cũng đề nghị Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất cho phép tỉnh xử lý diện tích cao su chết và kém phát triển sang trồng các loại cây khác; Nghiên cứu có các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình hiện nay để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công tác dân tộc, tôn giáo, xây dựng hệ thống chính trị vùng Tây Nguyên; Xem xét việc nâng hạng Di tích quốc gia “Khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá” thành di tích quốc gia đặt biệt và công nhận Rìu tay là bảo vật quốc gia.

Qua nghe báo cáo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những kết quả tỉnh Gia Lai đạt được trên các lĩnh vực, đồng thời đề nghị các bộ, ngành Trung ương tham gia ý kiến, đề xuất các giải pháp để giúp Gia Lai khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, phát triển đột phá trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã nêu một số ý kiến về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đồng thời làm rõ thêm về những kiến nghị của tỉnh Gia Lai tại buổi làm việc. Trong đó, liên quan đến đề xuất chuyển đổi trên 12 ngàn ha cao su chết và kém phát triển sang trồng các loại cây khác, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Bộ đang tiếp tục làm việc với Bộ Tài nguyên & MT để tìm giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, đề xuất các cơ chế rõ ràng hơn để việc chuyển đổi mục đích sử dụng mang lại hiệu quả tốt hơn. Đối với Công trình thủy lợi Ia Mơr, quan điểm của Bộ sẽ không thoái thác trách nhiệm khi để dự án kéo dài, chưa phát huy hết hiệu quả, do đó sẽ phối hợp với các bộ, ngành để giải quyết, đồng thời đề nghị Gia Lai hoàn thiện đề án chuyển đổi 4. 700ha rừng tự nhiên để xây dựng vùng tưới cho công trình.

Thông tin chi tiết tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Chính với hệ thống chính trị tỉnh Gia Lai, chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh trong bản tin tiếp theo.

 Hồng Uyên – Ngọc Hà – Thanh Sáng – Viễn Khánh


Lượt xem: 26

Trả lời