Cơ hội tăng cường kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên

Cập nhật 21/5/2022, 18:05:09

Như đã thông tin, sáng nay (21/5), tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Diễn đàn Kết nối Tây Nguyên với nội dung “Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên”. Đây là một trong những hoạt động chính trong chuỗi sự kiện chào mừng Kỉ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai (24/5/1932 – 24/5/2022).
Tham dự Hội nghị về phía Trung ương có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến –; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông cùng lãnh đạo các bộ, ngành: Công Thương, Kế hoạch & Đầu tư; Khoa học & Công nghệ, Bộ Ngoại giao. Về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Hồ Văn Niên, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Điềm, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, cùng lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Tây Nguyên được xác định là địa bàn có vị trí chiến lược về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, đồng thời là một trong những trung tâm sản xuất nông sản hàng hóa lớn của cả nước, đứng đầu về sản lượng cà phê, hồ tiêu, bơ, chanh leo. Thời gian qua, Trung ương đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên. Nhờ vậy, nông nghiệp Tây Nguyên đã phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với cơ chế thị trường; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 tăng 6,05% năm; năm 2021 tăng 5,8%. Toàn vùng hiện có 241 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm với nhiều sản phẩm đặc trưng và 583 sản phẩm OCOP.

Đồng chí Kpă Thuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai  phát biểu chào mừng và giới thiệu các tiềm năng, lợi thế của địa phương tại Diễn đàn

Là địa phương được Bộ Nông nghiệp & PTNT chọn tổ chức Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên đã có bài phát biểu chào mừng và giới thiệu các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tỉnh Gia Lai đã có định hướng phát triển nhanh các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông lâm sản, ưu tiên thu hút những dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, các dự án chế biến nông, lâm sản thuộc thế mạnh của địa phương như chế biến sản phẩm từ cao su, cà phê, điều, tiêu….Phấn đấu đến năm 2030 đạt trên 100 ngàn ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 42 ngàn tỷ đồng.

Ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu: “Thông qua Diễn đàn hôm nay, Gia Lai kính đề nghị các Bộ, ngành TW mời gọi, kết nối các đối tác, doanh nghiệp đến Gia Lai đầu tư, hình thành và phát triển các vùng sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh Gia Lai đáp ứng các yêu cầu về rào cản kỹ thuật và quy định của thị trường tiêu thụ cả nước. Đồng thời hỗ trợ Gia Lai phát triển hệ thống logistic trong lĩnh vực nông sản để giúp nông sản hàng hóa có thế mạnh của tỉnh Gia Lai tiến nhanh, tiến sâu vào thị trường quốc tế. Tỉnh cũng cam kết tạo các điều kiện cho nhà đầu tư được nhiều thuận lợi trong thụ hưởng các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thực hiện việc liên kết, phát triển bền vững nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu cũng như tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư để tạo hiệu quả cao nhất”.

Một trong những nội dung quan trọng tại Diễn đàn Kết nối Tây Nguyên lần này là các bên đã tiến hành thực hiện các ký kết hợp tác trong thời gian tới. Trong đó, Bộ Nông nghiệp & PTNT, 5 tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện ký kết với 7 Hiệp hội ngành hàng. 5 tỉnh Tây Nguyên ký kết hợp tác phân phối nông sản với Tập đoàn Central Retail; Sài Gòn Coop; Alibaba Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ NHONHO.

Tại Diễn đàn, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Gia Lai và doanh nghiệp trong tỉnh đã thực hiện ký kết biên bản hợp tác với một số địa phương, đơn vị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu kết thúc Diễn đàn

Phát biểu kết luận Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến một lần nữa khẳng định: Với chủ trương nhất quán, xuyên suốt, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ luôn đồng hành, lắng nghe và hỗ trợ các tỉnh, các doanh nghiệp nhằm tạo ra chuỗi giá trị liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản bền vững.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT nói: “Với tinh thần đó, thời gian tới Bộ, ngành Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương có liên quan và UBND các tỉnh Tây Nguyên tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản, như: Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01/3/2020 về ổn định dân cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị có liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Tây Nguyên”.

Về phía địa phương, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT đã nêu ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Tây Nguyên phát triển theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng để đưa nông sản Việt Nam vươn xa và chinh phục được nhiều thị trường khó tính trên thế giới.

Hồng Uyên – Kim Ngân – Mạnh Hà – Ksor Tuối


Lượt xem: 9

Trả lời