Mô hình sản xuất chống chịu hạn của nông dân Kông Chro

Cập nhật 03/6/2020, 16:06:02

Để thích ứng với điều kiện sản xuất ở vùng có lượng mưa trung bình thấp, bà con nông dân huyện Kông Chro đã chủ động chuyển đổi diện tích cây trồng, áp dụng phương thức tưới tiết kiệm để đảm bảo duy trì, nâng cao năng suất, sản lượng các loại cây trồng, cây ăn trái là một trong số đó:

Tại xã Chơ Long, trong mấy năm trở lại đây người dân đã mạnh dạn chuyển đổi, cải tạo một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt…

Vậy mô hình này triển khai như thế nào, chi phí đầu tư, hiệu quả mang lại ra sao? Đó là băn khoăn của nhiều bà con nông dân…

Ông Lê Văn Tám – Thôn 9, xã Chơ Long, huyện Kông Chro, Gia Lai nói: “Tôi chuyển sang tưới nhỏ giọt 5 năm rồi, tưới tiết kiệm nước, nó khỏe, đỡ đi lại, kinh tế hơn. Tưới kiểu cũ nó tốn nước không đủ cho vườn cây này. 1ha này đầu tư khoảng 40-45 triệu. Kể từ khi chuyển đổi diện tích đất vốn trước đây trồng bắp, mỳ sang trồng cây ăn trái, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Tám”.

Ông Lê Văn Tám – Thôn 9, xã Chơ Long, huyện Kông Chro, Gia Lai: Cứ 5 ngày tôi tưới 1 lần, vì bây giờ đang ra hoa, trái, còn nếu có điều kiện cứ 3, 4 ngày tưới cũng tốt, nó có nước mới nhanh lớn được, đất khô quá thì quả bé. Thu hoạch nhãn đây chắc năm nay thu tháng 8 âm lịch, vườn đây thu khoảng 10 tấn, 1 cây như này có khi 4 tạ, năm kia tôi bán được 12 triệu/1 cây.

Nhận thấy lợi ích từ những mô hình như thế này mang lại, đến nay, người dân trên địa bàn huyện đã đầu tư được hơn 40ha diện tích cây ăn trái áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt…
Ông Nguyễn Duy Tùng – Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kông Chro, Gia Lai  cho biết: “Sau khi Thường vụ Huyện ủy có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Chơ Long và Yang Trung là 2 điểm được quan tâm chỉ đạo, nhất là chuyển sang cây ăn trái. Ban đầu bà con áp dụng cây trồng ở quê hương của họ, hiệu quả rất tốt, bây giờ cũng được nhân rộng, như: Na, vải, nhãn…
Huyện đã vận động nhân dân áp dụng tưới nhỏ giọt, các xã đã thực hiện rất tốt. Trước đây tưới tràn bị đút nước, như một hồ áp dụng tưới tràn chỉ được 3 tiếng đồng hồ, còn áp dụng nhỏ giọt thì đủ nước tưới cho cả vụ luôn”.

Kông Chro là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn, nhưng nhiều diện tích sản xuất lúa nước và một số cây trồng khác thường hay thiếu nước, đất đai lại sỏi đá, bạc màu… do đó, bài toán chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái áp dụng tưới nhỏ giọt đã được địa phương cụ thể hóa trong các mô hình nhằm giúp nông dân cải thiện, nâng cao thu nhập, thậm chí là vươn lên làm giàu – Đây được xem là giải pháp phù hợp với đồng đất vốn chịu nhiều nắng hạn như Kông Chro./.

Song Nguyễn, Mạnh Hà


Lượt xem: 69

Trả lời