Mô hình nuôi thỏ vượt nghèo 

Cập nhật 20/3/2018, 14:03:03

Nhằm từng bước xoá đói giảm nghèo cho người dân, đồng thời chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, năm 2018, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai đã triển khai dự án hỗ trợ giống thỏ sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Đây được xem là hướng đi có nhiều triển vọng, giúp các hộ khó khăn tăng thêm thu nhập.

Sau những khó khăn bước đầu trong việc làm quen với mô hình chăn nuôi thỏ, giờ đây, gia đình anh Hoàng Văn Công đã chứng tỏ đây mà một hướng làm kinh tế mới, có nhiều triển vọng. Từ 8 lồng với 16 con thỏ giống New Zealand được xã hỗ trợ, sau thời gian nuôi gần 4 tháng, số lượng lồng thỏ đã không ngừng tăng lên 50 lồng với hơn 100 con. Anh cũng đã xuất bán thỏ được 2 lần với giá dao động từ 90 đến 150 ngàn đồng/kg.

Anh Hoàng Văn Công – Làng Breng 3, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai cho biết: “Mỗi lần sinh sản bình quân 1 mẹ từ 5-10 con, 1 tháng đẻ 1 lần. So với nuôi gà, nuôi heo thì nuôi thỏ dễ kiểm soát bệnh hơn, nếu tìm hiểu cách nuôi kỹ thì cũng đơn giản”.

Từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Ia Dêr đã tiếp tục hỗ trợ thỏ giống cho 32 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Giống thỏ New Zealand với đặc tính dễ thích nghi, thời gian sinh trưởng và phát triển nhanh, thức ăn có thể tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp, cỏ, lá tự nhiên. Đồng thời, nuôi thỏ cũng có nhiều ưu điểm như đầu tư chuồng trại kinh phí thấp, cần ít diện tích, tận dụng được các nguyên vật liệu của địa phương và công lao động gia đình. Phân thỏ tốt hơn các loại phân gia súc khác, có thể dùng để bón cây, nuôi cá, nuôi giun, làm thức ăn cho gà, vịt, cá…  Khi bắt đầu sinh sản, mỗi năm thỏ mẹ đẻ 6-7 lứa, mỗi lứa 6-7 con. Thỏ con nuôi  trong 2 tháng sẽ đạt trọng lượng hơn 2 kg. Ước tính với giá thịt thỏ như hiện nay, sau 1 năm thực hiện mô hình, mỗi hộ sẽ thu lời hơn 45 triệu đồng.

Anh Ksor Tư, Cán bộ nông nghiệp xã Ia Dêr, huyện Ia Grai cho biết: “Điều kiện để nuôi thỏ phải đáp ứng nhiều yếu tố: khí hậu, thời tiết, môi trường chăm sóc. Trong đó nhấn mạnh vấn đề kỹ thuật. Thỏ phải sống trong môi trường thoáng mát, thuốc thú y cũng phải chú trọng. Thức ăn của thỏ phải có thức ăn tinh và chất xơ, có thể tận dụng rau, cỏ nhưng phải xử lý qua”.

Ông Puih B’L – Chủ tịch UBND xã Ia Dêr, huyện Ia Grai cho biết: “Trong thời gian qua xã được huyện hỗ trợ hơn 200 triệu, vốn của bà con là 60 triệu, phân bổ cho các làng mô hình nuôi thỏ, nhân rộng ra cho các hộ nghèo. Sắp tới kế hoạch của Ủy ban xã nhân rộng ra cho các hộ khác nữa”.

Từ những kết quả đạt được ban đầu, hy vọng rằng đây chính là một hướng đi mới giúp phát triển kinh tế trên địa bàn xã đồng thời góp phần thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để mô hình nuôi thỏ có thể phát triển bền vững trong tương lai, rất cần sự quan tâm của các cơ quan chức năng trong việc ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Nhâm Dung – Cao Duy


Lượt xem: 646

1 thought on “Mô hình nuôi thỏ vượt nghèo ”

Trả lời