Lớp học đầy ắp tình yêu thương

Cập nhật 10/7/2020, 10:07:53

Nghề dạy học là nghề nghiệp cao quý đòi hỏi phải có sự tận tâm và tấm lòng yêu thương học trò. Ở những ngôi trường vùng khó hay vùng đồng bào DTTS, những yêu cầu này lại càng cần thiết hơn.
Xin giới thiệu đến các bạn một ngôi trường mà ở đó, các giáo viên luôn hết lòng với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn mà không hề đòi hỏi bất cứ khoản phụ cấp nào, chỉ mong sao các em vui đến lớp và tự tin trong học tập.

Đại dịch Covid – 19 đã làm thay đổi khung năm học 2019 – 2020 và khiến cho khoảng thời gian tăng tốc cho kỳ thi cuối kỳ chìm ngập trong tiếng ve và tiết trời oi ả đầu hè. Thế nhưng, điều đó không mảy may làm ảnh hưởng đến chất lượng các giờ học trái buổi ở ngôi trường THCS Mạc Đĩnh Chi, xã Ia Glai, huyện Chư Sê. Không phải là buổi học chính khóa nhưng những thành viên trong lớp đều rất nghiêm túc. Bởi hơn ai hết, các em cảm nhận được sự vất vả và cả những mong mỏi của thầy cô giáo đứng lớp.

Thầy giáo Nguyễn Minh Bằng, Tổ trưởng Tổ Toán Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, xã Ia Glai, huyện Chư Sê, Gia Lai chia sẻ: “Mong mỏi lớn nhất của mình là làm sao các em có kiến thức để học, được lên lớp, sẽ có nhận thức để lớn lên ra đời nhờ đến trường tiếp thu kiến thức từ thầy cô. Trước tiên thầy cô giáo phải tâm huyết, thương yêu học sinh và tất cả là vì học sinh cho nên mới đi dạy phụ đạo các lớp như thế này. Trong quá trình dạy, một số em học yếu, người đồng bào, thầy cô quan tâm để các em có kiến thức cơ bản”.

Mỗi khối lớp trong trường sẽ có một lớp phụ đạo dành cho học sinh có học lực dưới trung bình, khoảng trên dưới 30 em. Đa phần là học sinh có hoàn cảnh khó khăn và con em đồng bào DTTS gặp nhiều trở ngại do rào cản về ngôn ngữ. Khối 6 và khối 7 mỗi tuần sẽ được thầy cô giáo hỗ trợ kiến thức của 4 môn học là Toán – Văn – Tiếng Anh và Vật lý. Còn khối 8 và 9 sẽ là 5 môn vì có thêm môn Hóa học. Điều đáng quý là tất cả giáo viên đều đảm nhận với tinh thần tự nguyện. Vì thế học sinh không cần đóng góp bất cứ khoản gì. Sự tận tâm của thầy cô giáo là động lực để mỗi học sinh nỗ lực vươn lên.

Em Rahlan Thim, Học sinh lớp 6c, Trường THCS Mạc Đỉnh Chi, huyện Chư Sê, Gia Lai bày tỏ: “Em học lớp toán thầy Bằng, trước đây toán em kém hơn 5 điểm. Nhưng nay  học phụ đạo, toán em đã được 6 điểm. Lần sau em sẽ cố gắng thi được 8,9 điểm”.

Ngoài lớp học phụ đạo, ở trường THCS Mạc Đĩnh Chi còn có các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi cũng do các giáo viên có kinh nghiệm đứng lớp mà không cần sự hỗ trợ nào về kinh phí.

Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Trường THCS Mạc Đỉnh Chi, huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Trong quá trình bồi dưỡng nói chung trách nhiệm là chính chứ không đặt nặng vấn đề chi phí. Tất cả GV ở đây đều đề cao tinh thần trách nhiệm giúp cho các em có những thành tích cao trong quá trình học tập thôi.  So với các trường khác thì họ đầu tư rất nhiều thời gian cho các em, có thể trải dài từ t2 đến t7. Thời gian đầu tư rất nhiều nên cứ rèn luyện dần cho các em có nhiều kinh nghiệm hơn”.

Cô giáo Tạ Thị Nguyệt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, xã Ia Glai, huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Để đạt tiêu chí chất lượng gồm có đội ngũ và học sinh. Đội ngũ thầy cô giáo của nhà trường nhìn chung là có kinh nghiệm và tâm huyết với nghề, tận tụy với công việc. Lên lớp thầy cô rất chú tâm tới quan tâm nâng cao chất lượng đại trà nên chất lượng năm sau luôn cao hơn năm trước. Còn về HS, để nâng cao chất lượng đại trà, nhà trường tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh trong tiết 5 những ngày 4 tiết và dạy trái buổi đối với các em học lực yếu kém”.

Xã Ia Glai dù không thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Chư Sê, song với tình hình kinh tế nhiều biến động do giá cả nông sản lao dốc, nhiều gia đình rơi vào cảnh túng quẫn, thời gian qua, việc học của các em học sinh nơi đây cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Chính vì thế, sự đồng hành của thầy cô giáo trong lúc này là rất cần thiết và đáng trân trọng. Đặc biệt, đó cũng là yếu tố tích cực góp phần tạo nên thành tích trường đạt chuẩn quốc gia vào đầu năm học 2019 – 2020./.

Hòa Giang, Viễn Khánh


Lượt xem: 79

Trả lời