Liên kết trồng dứa ở Mang Yang

Cập nhật 21/5/2019, 15:05:03

Trên những diện tích đất trồng mì bị bạc màu, năng suất thấp, huyện Mang Yang đang triển khai mô hình trồng dứa theo kiểu liên kết tại 5 xã phía Nam với diện tích hơn 50 ha. Các hộ dân tham gia mô hình ngoài việc được hỗ trợ nguồn giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật chăm sóc còn được bao tiêu đầu ra của sản phẩm.

Cách đây 4 tháng, ông Lê Thành Lưu ở thôn Đak Trang, xã Kon Thụp đã cùng với 6 hộ khác trên địa bàn tham gia mô hình liên kết trồng dứa trên diện tích 1,7 ha. Với hơn 20 năm kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình sản xuất nông nghiệp, ông được cử làm nhóm trưởng. Ngoài việc kỳ vọng cây dứa giúp gia đình ông và các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn nâng cao thu nhập thì điều mà ông và các hộ yên tâm chính là được đảm bảo đầu ra của sản phẩm.

 Ông Lưu  cho biết: “Dứa sống trên những chân đất đá, đất đồi rất thích hợp.  Mà cũng liên kết với nhà máy chế biến Đồng Giao chứ cũng không ai dám trồng. Liên kết là được vì Đồng Giao có nhà máy nằm trên địa bàn huyện Mang Yang mình. Riêng cây dứa thì rất phù hợp vì có nhà máy chế biến nên có đầu ra ổn định”.

Từ sự hỗ trợ của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, mô hình trồng dứa theo kiểu liên kết, đảm bảo đầu vào và đầu ra của sản phẩm đang được thực hiện tại 5 xã phía Nam của huyện Mang Yang, gồm: Đak Trôi, Đê Ar, Kon Chiêng, Kon Thụp, Lơ Pang với tổng diện tích 56 ha.Giống dứa được trồng khảo nghiệm trên địa bàn huyện được lấy từ các tỉnh phía Bắc. Vì dự án hỗ trợ gần như toàn bộ chi phí đầu tư nên đa phần các hộ được chọn tham gia là hộ nghèo, cận nghèo.

Chị Võ Thị Kim Hồng – Cán bộ Nông nghiệp xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, Gia La cho biết: “Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ cho xã trồng thí điểm mô hình trồng dứa, xã được 10 ha, ưu tiên cho hộ nghèo, cận nghèo trước và chọn một số hộ có kinh nghiệm, đa số là hộ người kinh thì người ta được đi tập huấn về để chuyển giao cho tất cả các hộ trong nhóm. Trồng mô hình dứa này thì dự án giảm nghèo hỗ trợ cho giống, phân, tiền cày mọi thứ. Dân trong quá trình trồng thì cũng ý kiến là để họ đối ứng bạt phủ ni lông để giảm bớt chi phí làm cỏ”.

Được biết,1 ha dứa có tổng chi phí đầu tư hơn 60 triệu đồng.  Sau 14 đến 16 tháng trồng thì cho thu hoạch. Các hộ tham gia mô hình, ngoài việc được hỗ trợ chi phí đầu tư còn được bao tiêu đầu ra của sản phẩm.

Ông Phạm Ngọc Cơ – Trưởng phòng NN & PTNT huyện Mang Yang, Gia Lai cho biết: “Vừa qua, trên địa bàn có công ty TNHH xuất khẩu rau củ quả DOVECO Gia Lai, hình thành nhà máy thì giữa huyện và công ty cũng đã có những buổi làm việc với nhau.  Trước khi trồng cây dứa thì công ty Đồng Giao cũng đã có làm hợp đồng kinh tế, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân. Đến nay trên toàn huyện đã trồng được 56 ha. Họ cam kết giá sàn tối thiểu là 3.000 đồng/kg còn nếu thị trường tăng thì mua theo giá thị trường”.

Việc liên kết sản xuất và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm sẽ góp phần giúp nông dân thêm yên tâm khi tham gia sản xuất những mô hình mới, nhất là khi giá cả các loại nông sản đang xuống thấp và bấp bênh như hiện nay. Bên cạnh đó, mô hình liên kết này còn mở ra một cơ hội mới, giúp những hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các xã khó khăn của huyện Mang Yang thay đổi phương thức sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống./.

Thiên Thanh, Huy Toàn


Lượt xem: 359

Trả lời