Liên kết hộ trong phát triển hợp tác xã

Cập nhật 25/11/2022, 09:11:04

Phát triển kinh tế hợp tác xã (HTX) tại Gia Lai ngày càng được quan tâm, chú trọng nhiều hơn đến vấn đề liên kết hộ. Ngoài việc góp phần hình thành nhiều vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung, tạo nên mối liên kết bền chặt giữa nông dân và HTX thì chính nhờ mô hình liên kết hộ trong phát triển HTX đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng và ổn định được đầu ra sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân; thúc đẩy kinh tế HTX ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của địa phương.

Là một trong 09 hộ liên kết trồng măng tây của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bàu Cạn, sản phẩm măng tây tươi của hộ ông Hà Ngọc Lệ ở làng Grang, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông từ ngày tham gia liên kết hộ với HTX đến nay đều được HTX bao tiêu toàn bộ. Ngoài ra với những hộ dân như ông, việc tham gia làm thành viên liên kết hộ với HTX cũng đã giúp mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Hà Ngọc Lệ – Làng Grang, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông cho biết: “Trước hết là nó lợi về kỹ thuật, bởi vì có những cái mà người nông dân chưa có thể nắm được hết; nhưng mà vào liên kết thì được truyền cho những kinh nghiệm, ví dụ như là bỏ phân hay những thứ khác hợp lý để thu hoạch măng đều. Một cái nữa là về cả đầu ra mình cũng yên tâm, cứ hái thì mình cứ nhập được đều đặn chứ còn nếu mà mình đi bỏ chợ thì cũng bất lợi hơn”.

Thực tế trong thời gian qua cho thấy, việc liên kết giữa HTX với các hộ nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan trong tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm (sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản) đã có sự chuyển biến tích cực. Từ hiệu quả trong phát triển kinh tế hộ của nông dân, các mô hình hợp tác, liên kết là cơ hội để các địa phương phát triển các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; là điều kiện giúp nông dân tiếp cận, làm chủ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng và tăng thu nhập. Về phía các địa phương cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Ông Trần Văn Hoàng – Thôn Ia Mua, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông cũng nói: “Nói chung người dân thì họ cũng mong muốn được đầu ra ổn định.  Bây giờ họ làm được cây chanh dây này, trước đây do cũng chưa được ổn định về đầu ra cho nên họ rất lo, bây giờ có HTX thì người dân cũng rất là thích và cũng đồng lòng ủng hộ”.

Ông Lê Thế Phương – Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông cho biết: “Họ tin tưởng vào mô hình này có đầu ra ổn định, khi mà HTX đã liên kết với những người dân thì họ sẽ bao tiêu tất cả sản phẩm người dân làm ra. Hiện nay xã Bàu Cạn cũng đang phối hợp làm mã vùng cho chanh dây và hiện xã đang làm 2 mã vùng ở thôn Đồng Tâm và thôn Đoàn Kết”.

Hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai có khoảng hơn 136.600 ha các loại cây trồng thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đối tượng tham gia liên kết gồm 81 HTX, 72 tổ hợp tác với trên 22.660 hộ nông dân và trên 42 doanh nghiệp tham gia đầu chuỗi liên kết. Có thể nói việc liên kết sản xuất nói chung, liên kết hộ trong phát triển HTX nói riêng đã và đang khắc phục được nhược điểm của quy mô kinh tế hộ nhỏ lẻ; đồng thời phát huy được các lợi thế, thế mạnh của kinh tế HTX và hộ gia đình, tạo mô hình phát triển kinh tế bền vững, mạng lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân./.

Mỹ Tiến, Huy Toàn


Lượt xem: 10

Trả lời