Liên kết để cùng phát triển

Cập nhật 18/10/2018, 08:10:04

Hệ lụy từ việc mở rộng diện tích ồ ạt, canh tác không đúng quy trình đã dẫn đến nhiều diện tích tiêu bị nhiễm bệnh, gây thiệt hại lớn cho người trồng tiêu. Chính vì vậy, việc hướng đến sản xuất tiêu sạch, nâng cao giá trị sản phẩm là hướng canh tác cần được nông dân chú trọng. Từ một số mô hình tiên phong, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, cách làm theo hướng cùng hợp tác, liên kết với nhau từng bước hướng tới 1 nền sản xuất hồ tiêu hữu cơ bền vững.

Trước nỗi lo kép dịch bệnh và mất giá, việc nông dân liên kết lại với nhau để giữ ổn định diện tích và thị trường, hướng tới nền nông nghiệp sạch và bền vững là xu thế tất yếu đặt ra hiện nay.

Anh Ngô Văn Tiên – Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất, kinh doanh hồ tiêu sạch xã Nam Yang, huyện Đak Đoa cho biết: “Mình đi dự một số hội nghị trong nước và quốc tế thì thấy bây giờ nền nông nghiệp Việt Nam mình cần phải chuyển sang một nền nông nghiệp sạch; chưa nói là hữu cơ mà phải sạch và an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật”.

Anh Trần Quang Sơn – Thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa nói: “Làm sao thay đổi tập quán canh tác của người nông dân là quan trọng nhất. Mình muốn thành lập tổ liên kết chia sẻ kinh nghiệm cho người nông dân, hướng tới nền nông nghiệp sạch và bền vững. Nếu làm tiêu hữu cơ thì đầu ra ổn định hơn, giá lúc nào cũng gấp đôi thị trường. Vườn mình được chứng nhận đơn vị thu mua họ liên hệ với mình ngay, họ bao tiêu sản phẩm cho mình bất kể lúc nào mình có sẵn sàng”.

Trong khi nhiều diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh nặng không thể cứu vãn, thì những vườn tiêu canh tác theo hướng hữu cơ ở xã Nam Yang vẫn phát triển ổn định. Thành công từ mô hình sản xuất tiêu hữu cơ, xây dựng được thương hiệu sản phẩm của những nông dân tiên phong như anh Ngô Văn Tiên, Trần Quang Sơn và sự ra đời của Tổ liên kết sản xuất, kinh doanh hồ tiêu sạch và bền vững xã Nam Yang là minh chứng rõ nét nhất cho xu thế tất yếu của việc hướng đến nền nông nghiệp sạch.

Anh Ngô Văn Tiên – Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất, kinh doanh hồ tiêu sạch xã Nam Yang, huyện Đak Đoa cho biết: “Mục tiêu đặt ra của tổ liên kết là không ảnh hưởng đến môi trường, sản phẩm đầu ra test mẫu phải đạt loại A, quan trọng mình không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hoá học. Những công ty lớn thu mua hàng nông sản sạch cũng đưa cho mình một số quy trình bà con cứ chăm theo quy trình khi bước vào vụ họ sẽ đến xem sản phẩm và sẽ ký kết”.

Ngay sau khi tổ liên kết được thành lập với 66 thành viên tham gia, có một sự thay đổi lớn trong sản xuất hồ tiêu ở Nam Yang, nhiều nông dân đã bắt đầu thay đổi tư duy, cách làm theo hướng cùng hợp tác, liên kết với nhau và họ đang từng bước chuyển đổi. 15 hộ đã chuyển sang trồng tiêu hữu cơ trên 13 ha, 31 hộ tham gia mô hình liên kết hỗ trợ chứng nhận sản xuất tiêu an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Năm tới sẽ có thêm nhiều vườn tiêu được chứng nhận hữu cơ – đó là bước khởi đầu với nhiều kỳ vọng phát triển loại cây trồng chủ lực ở địa phương một cách ổn định và bền vững.

Anh Nguyễn Văn Hòa – Xã Nam Yang, huyện Đak Đoa nói: Những năm trước làm tiêu dùng thuốc hóa học nhiều cây chết rất nhanh, từ khi có sự chia sẻ của những người đi trước mình chuyển sang làm hữu cơ. Được ngồi lại với nhau chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng một khối cùng đem lại một nền nông nghiệp bền vững cho chính bản thân và cả cộng đồng

Ông Phạm Cường – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đak Đoa nói về hướng phát triển của mô hình này: “Hiện nay xã Nam Yang đã áp dụng sản xuất hữu cơ liên kết với một số doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh để xuất khẩu sản phẩm tiêu hữu cơ. Tiêu hữu cơ chứng nhận có giá khoảng 120.000 đồng/kg so với giá tiêu bình thường hiện dân bán 50.000 đồng/kg. Mô hình này đang định hướng sẽ nhân rộng trong thời gian tới để tìm ra nhiều người tiên phong của từng xã liên kết thành nhóm hướng dẫn sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp”.

Việc nông dân liên kết với nông dân, chuyển từ sản xuất đơn lẻ sang hợp tác phát triển cây hồ tiêu theo hướng hữu cơ, bền vững được xem là bước đột phá và bền vững của nhiều hộ trồng tiêu trên địa bàn xã Nam Yang. Bởi chỉ có liên kết lại với nhau thì nông dân mới giải quyết được bài toán về đầu ra, chất lượng nông sản, nâng cao giá trị sản xuất hồ tiêu trước những biến động của thị trường./.

Kim Châu, Lê Thư,Thanh Sáng


Lượt xem: 50

Trả lời