Lịch sử hình thành tỉnh Gia Lai

Cập nhật 01/4/2022, 14:04:51

Tỉnh Gia Lai được thành lập vào ngày 24/5/1932 với tên gọi ban đầu là tỉnh Pleiku. 90 năm hình thành và phát triển, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược và sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai luôn đoàn kết, đồng lòng vượt qua biết bao khó khăn, thử thách và giành được nhiều chiến công hiển hách. Mỗi tên đất, tên người ở Gia Lai đã đi vào những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Và Gia Lai hôm nay đang vững bước đi lên trên con đường đổi mới.

Vùng đất tỉnh Gia Lai ngày nay là địa bàn cư trú lâu đời của các dân tộc Jrai, Bahnar có tập quán sống thành từng làng. Trước khi thực dân Pháp đặt chân đến đây, vùng đất này cũng chịu sự xâm lấn, chiếm đóng của một số dân tộc khác. Từ những năm đầu của thập niên 40 của thế kỷ XIX, các giáo sĩ người Pháp đã thâm nhập khu vực cư trú của người Bahnar thuộc xã Hà Tây – huyện Chư Păh và xã Hà Đông – huyện Đak Đoa ngày nay để truyền đạo. Theo chân các giáo sĩ, thực dân Pháp ngày càng tiến sâu vào Bắc Tây Nguyên tạo nên những xáo trộn mới bằng những chính sách chia để trị, dựa vào nhóm này để chống nhóm khác, chia rẽ Kinh – Thượng, chia rẽ các dân tộc trong tỉnh, trong khu vực với nhau. Từ cuối thế kỷ XIX đến những năm đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã từng bước thiết lập bộ máy cai trị trên đất Gia Lai và thi hành khai thác thuộc địa, chiếm đoạt tài nguyên, chiếm đất đai lập đồn điền… Chính vì thế mà đồng bào các dân tộc ở vùng đất Gia Lai xa xưa đã có tinh thần chống quân xâm lược.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Vân, Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai cho biết: “Đây là vùng đất mà thường xuyên chịu xâm lấn của các thế lực từ bên ngoài, như từ Thái Lan, người Lào và người Chăm qua nhiều thế kỷ. Chính từ điều đó làm cho cư dân tại chỗ của tỉnh Gia Lai mà ở đây cụ thể là đồng bào các dân tộc Bahnar, Jrai chúng ta có tinh thần chống ngoại xâm từ rất là sớm. Khi mà người Pháp đến Gia Lai thì ở đây có những phong trào chống Pháp khá là nổi tiếng, như là phong trào của Pơtao Apui năm 1904. Sau đó thì cũng rất nhiều phong trào chống Pháp cũng lẻ tẻ xảy ra trên vùng đất này; đặc biệt là có cả phong trào của người Kinh là phong trào Cần vương ở khu vực An Khê”.

 Ngày 24/5/1932, tỉnh Pleiku được thành lập theo Nghị định Toàn quyền Đông Dương (gồm đại lý Pleiku và đại lý Cheo Reo). Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tỉnh Pleiku có: thị xã Pleiku, huyện An Khê, huyện Pleikli, huyện Chư Ty và huyện Cheo Reo. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tên tỉnh được Chính quyền cách mạng gọi là Gia Lai.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, mặc dù chưa có tổ chức Đảng song dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ những năm 1930, 1940, những đảng viên, chiến sĩ cách mạng lên hoạt động tại Gia Lai, xây dựng phát triển phong trào cách mạng trong đồn điền và một số địa phương. Với sự ra đời của tổ chức Đoàn Thanh niên ở các địa phương trong tỉnh lúc bấy giờ và là lực lượng nòng cốt cùng với Nhân dân tham gia khởi nghĩa giành chính quyền và góp phần quan trọng vào thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ngay sau đó, Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Gia Lai ra đời và đi vào hoạt động.

Ngay sau khi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở thị xã Pleiku vào ngày 01/10/1945, lần lượt các chi bộ Đảng ở An Khê, Biển Hồ, Bàu Cạn và một số chi bộ trong lực lượng vũ trang cũng ra đời. Trước yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo thống nhất và tập trung trong toàn tỉnh, ngày 10/12/1945, Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Gia Lai được thành lập, lấy tên là Đảng bộ Tây Sơn. Đây là bước ngoặt, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong lịch sử phong trào cách mạng của tỉnh. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, phong trào cách mạng ở Gia Lai không ngừng lớn mạnh và giành được nhiều thắng lợi quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến, giải phóng tỉnh nhà vào ngày 17/3/1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975.

Ông Ngô Thành, Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho biết: “Các tỉnh Tây Nguyên mà riêng tỉnh Gia Lai là 4.600 tên địch, 38.000 tên Mỹ và bao nhiêu phương tiện chiến tranh, bao nhiêu Quân đoàn lớn của Mỹ đều tập trung ở đây cả. Nói như thế thì để thấy với lực lượng của Mỹ như vậy thì nó gây cho mình biết bao nhiêu khó khăn. Và một điều quan trọng, thắng lợi của mình là xây dựng Đảng ở vùng dân tộc thiểu số. Ở một cái vùng mà chưa phân biệt giai cấp, ở một cái vùng mà xã hội còn rất thấp mà Đảng Cộng sản là một Đảng rất là tiến bộ cho nên có một khoảng cách rất xa. Tuy nhiên mình đã xích được gần lại; mình đã lấy độc lập dân tộc, đi theo Đảng sẽ giành được độc lập, mà được độc lập thì sẽ được ấm no, hạnh phúc; cái đó là cái thiết thực nhất và mình đã phát huy cái đó lên để tạo nên sức mạnh”.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Vân, Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai cũng nói: “Phải có một Đảng lãnh đạo thống nhất thì chúng ta mới lãnh đạo, chỉ đạo một cách toàn diện các phong trào của cách mạng để từ đánh địch đến binh vận đến chính trị và đảm bảo các vấn đề về kinh tế, kinh tài mang lại chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975”.

Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước và sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân các dân tộc Gia Lai luôn đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tiếp tục gặt hái những thành tựu to lớn, đáng tự hào, xây dựng quê hương Gia Lai ngày càng phát triển và giàu mạnh./.

Đức Hải –  R’Piên


Lượt xem: 699

Trả lời