Lễ kỷ niệm “Ngày cà phê Việt Nam” lần thứ 3 năm 2019

Cập nhật 10/12/2019, 13:12:37

Như chúng tôi đã thông tin, Lễ kỷ niệm “Ngày cà phê Việt Nam” lần thứ 3 năm 2019 do UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Hiệp Hội Cà phê ca cao Việt Nam tổ chức đã diễn ra vào tối qua (9/12) tại Quảng Trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku với chủ đề “Văn hóa thưởng thức cà phê”.
Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Dương Văn Trang, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai; Hồ Văn Niên, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai; Nguyễn Hoàng Hiệp – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT; Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; Lương Văn Tự – Chủ tịch Hiệp Hội cà phê ca cao Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo “Ngày cà phê Việt Nam lần thứ 3; Kpă Thuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Trưởng Ban Tổ chức “Ngày cà phê Việt Nam” lần thứ 3 và đại diện lãnh đạo các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum, đại diện Sở Công Thương TP.HCM – địa phương đăng cai tổ chức “Ngày cà phê Việt Nam” lần thứ 4 năm 2020 cùng đông đảo doanh nghiệp cà phê trong và ngoài tỉnh. Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN tỉnh Gia Lai. Lễ kỷ niệm “Ngày cà phê Việt Nam”  năm nay còn thu hút lượng khách quốc tế tham dự đông nhất so với hai lần trước, gồm: đại diện Đại sứ Indonesia, Tổng lãnh sự quán cộng hòa Liên bang Nga tại thành phố Hồ Chí Minh,  Tổ chức cà phê Quốc tế (ICO), Hiệp Hội cà phê Đông Nam Á và một số quốc gia. 

 Gia Lai hiện có trên 70 ngàn tổ chức và hộ gia đình trồng cà phê với diện tích khoảng 97 ngàn ha; sản lượng bình quân hàng năm đạt gần 220 ngàn tấn nhân. Phần lớn diện tích cây cà phê được trồng tập trung tại cao nguyên Pleiku đất đỏ Bazan với độ cao từ 600m đến 800m so với mặt nước biển nên có hương vị đậm đà, đặc trưng. Tuy nhiên, giá trị kinh tế mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, 96% sản lượng cà phê được xuất thô. Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông KPă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Trưởng Ban Tổ chức “Ngày cà phê Việt Nam” lần thứ 3 năm 2019 bày tỏ niềm vinh dự khi sự kiện này được tổ chức tại Gia Lai và kỳ vọng qua đây sẽ mang đến cho Việt Nam, trong đó có Gia Lai những cơ hội thúc đẩy ngành cà phê ngày càng phát triển, mang lại giá trị hiệu quả kinh tế cao, xứng tầm là một trong những mặt hàng nông sản mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Trưởng Ban Tổ chức “Ngày cà phê Việt Nam” lần thứ 3 – 2019 phát biểu: “Gia Lai Vinh dự được đăng cai tổ chức Sự kiện Ngày cà phê Việt Nam lần thứ 3 với chủ đề “Gia Lai với văn hóa thưởng thức cà phê”, chúng tôi hy vọng sẽ tạo nên một không gian văn hóa độc đáo, là nơi hội tụ của các nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê trong và ngoài nước; cũng là dịp để các bên gặp gỡ, tìm hiểu, hướng tới xây dựng các liên minh, liên kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp, hướng tới xây dựng môi trường lành mạnh, bền vững từ khâu sản xuất, chế biến đến kinh doanh mặt hàng cà phê; góp phần nâng tầm thương hiệu và giá trị của cà phê Việt Nam nói chung, của Gia Lai nói riêng trên thị trường thế giới. Đồng thời, là cơ hội để tỉnh giới thiệu các danh lam thắng cảnh, văn hóa đặc trưng của địa phương đối với quý vị đại biểu, quý vị khách quý trong và ngoài nước. Chúng tôi mời gọi các tập đoàn kinh tế, doanh nhân, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đến tìm hiểu về mảnh đất, con người, văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai; tìm hiểu về cơ hội hợp tác, liên doanh, liên kết trong đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê cũng như các sản phẩm thế mạnh khác của tỉnh. Chúng tôi tin tưởng rằng, chỉ có hợp tác, liên doanh, liên kết chặt chẽ, chúng ta mới có thể tiếp tục đẩy mạnh phát triển bền vững ngành cà phê. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình và tin tưởng rằng, Gia Lai sẽ là điểm đến của thành công”.

Hiện nay cà phê nằm trong nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam với sản lượng xuất khẩu bình quân mỗi năm đạt 1,4 – 1,6 triệu tấn, kim ngạch đạt trên 3 tỷ USD. Với vị trí thứ hai về giá trị xuất khẩu, Cà phê Việt Nam đã có mặt tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, giá trị kinh tế mang lại còn thấp. Để tiếp tục thúc đẩy phát triển bền vững ngành cà phê, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng trong thời gian tới cần quan tâm triển khai một số giải pháp sau: “ Rà soát quy mô sản xuất cà phê, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ổn định diện tích cà phê khoảng 600 nghìn ha vào năm 2025, trong đó phát triển một số vùng cà phê chất lượng cao gắn với quy hoạch chế biếnvà cơ sở hạ tầng khác.  Đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống cà phê năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu. Nghiên cứu các giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu chăm sóc và thu hái cà phê; nghiên cứu công nghệ và thiết kế, chế tạo các dây chuyền thiết bị chế biến cà phê nhân, chế biến sâu phục vụ xuất khẩu. Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật: thâm canh, tưới nước tiết kiệm, trồng xen hợp lý, thiết kế cảnh quan, sơ chế, bảo quản cà phê ở nông hộ, khuyến khích sản xuất cà phê có truy xuất nguồn gốc.Khuyến khích các công ty chế biến xuất khẩu cà phê đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại, thực hiện việc liên kết vùng nguyên liệu để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và văn hóa cà phê Việt Nam”.

Làm thế nào để Việt Nam có thể nâng cao được giá trị hạt cà phê và nông dân – những người trực tiếp tạo ra sẩn phẩm có được nguồn thu nhập ổn định cũng cũng là trăn trở của Tổ chức cà phê Quốc tế.

Ông Gerado Patacconi, Đại diện Tổ chức cà phê Quốc tế (ICO) nêu: “Mặc dù giờ chúng ta đang ăn mừng ngày cà phê nhưng chúng ta cũng không thể quên rằng thách thức quan trọng nhất đối với chúng ta hiện nay là đảm bảo rằng người nông dân trồng cà phê được trả thù lao xứng đáng cho công việc đầy khó khăn của họ và có thể đạt được thu nhập và tiền lương hợp lý mặc dù giá cà phê giảm, đây chính là điều mà ICO tập trung nỗ lực trong năm qua.Mặc dù có những thách thức đáng kể đối với cà phê nhưng chúng ta cũng phải hướng tới một tương lai tươi sáng với giá cả ngày càng tăng và nhu cầu về cà phê tiếp tục tăng lên trên toàn thế giới,đặc biệt là ở khu vực châu Á. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tiêu thụ cà phê ở đây đang tăng nhanh, như tôi đã được chứng kiến tận mắt trong chuyến thăm ngắn ngày này. Một thị trường nội địa vững mạnh sẽ làm cho ngành cà phê Việt Nam trở nên mạnh mẽ và kiên cường hơn và với sự lãnh đạo của Việt Nam trong nhóm cà phê Châu Á trong ICO sẽ góp phần vào tình hình tiêu dùng nội địa mạnh mẽ hơn”.

 Tại Lễ kỷ niệm “Ngày cà phê Việt Nam” lần thứ 3,  có 34 tập thể, cá nhân vinh dự được Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức trao tặng Kỉ niệm chương. Đây là những gương mặt tiêu biểu, đại diện cho người trồng cà phê, các đơn vị kinh doanh sản xuất cà phê trên cả nước đã đạt những thành tích lớn lao trong công cuộc phát triển ngành cà phê nói riêng và nền kinh tế nước nhà nói chung.

Với sự chuẩn bị khá chu đáo, Chương trình Lễ kỷ niệm Ngày cà phê Việt Nam lần thứ 3 đã thành công tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người. Tin rằng cà phê sẽ ngày càng có sức hấp dẫn hơn, trở thành thức uống mang lại nhiều sự kỳ diệu trong cuộc sống mỗi người và mỗi quốc gia, mỗi địa phương sẽ càng thêm tự hào, trân quý hơn giá trị và nét đẹp trong văn hóa thưởng thức cà phê.

Một du khách đến từ thành phố Hồ Chí Min cho biết: “ Lễ kỉ niệm hôm nay rất ý nghĩa và ấn tượng. Cà phê là mặt hàng nông sản chính của Việt Nam, vì vậy đây chính là dịp để tôn vinh những nông dân, doanh nghiệp đã và đang làm nên những giá trị của cà phê Việt Nam”.

Một người dân Pleiku cũng nói: “ Là người Gia Lai tôi cảm thấy rất tự hào về con người, vùng đất của mình. Ở đây có cà phê và hôm nay có Lễ hội này, điều này sẽ càng thêm ý nghĩa và tự hào hơn, đó như là nguồn động lực để thúc đẩy ngành  cà phê phát triển mạnh mẽ hơn nữa”.

 Góp phần vào sự thành công của Lễ kỷ niệm “Ngày cà phê Việt Nam” lần thứ 3, Chương trình nghệ thuật do Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San thực hiện được xem là điểm nhấn khá ấn tượng. Các tiết mục biếu diễn được các diễn viên, nghệ sĩ tập luyện, dàn dựng công không chỉ mang đậm chất văn hóa đồng bào dân tộc Tây Nguyên, còn có sự kết hợp hài hòa với âm nhạc đương đại, thể hiện được thông điệp ý nghĩa của Ngày cà phê Việt Nam.

 Ông Lương  Văn Tự, Chủ tịch Hiệp Hội cà phê ca cao Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo “Ngày cà phê Việt Nam” lần thứ 3 năm 2019 cho biết: “So với hai lần tổ chức trước thì Ngày cà phê VN năm nay đạt nhiều thành công. Không nặng về câu chuyện của phát triển cà phê mà đề cập nhiều hơn đến văn hóa thưởng thức cà phê. Chính văn hóa ấy đã và đang làm nên những giá trị cho ngành cà phê. Đặc biệt năm nay chương trình lần đầu tiên thu hút được lượng khách quốc tế khá đông đến từ 12 quốc gia trên thế giới. Do đó đây chính là cơ hội rất tốt cho Gia Lai nói riêng và VN nói chung để quảng bá thương hiệu cà phê, mở rộng hợp tác đầu tư”.

 

Ngày cà phê Việt Nam là điểm hội tụ các nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê trong và ngoài nước gặp gỡ, tìm hiểu, hướng tới xây dựng các liên minh, liên kết bền vững từ khâu sản xuất, chế biến đến kinh doanh các mặt hàng cà phê góp phần nâng tầm thương hiệu và giá trị của cà phê Việt Nam. Sau Gia Lai, TP.HCM là địa phương đăng cai tổ chức “Ngày cà phê Việt Nam” lần thứ 4 năm 2020.

Hồng Uyên, Minh Trí, Minh Trung


Lượt xem: 45

Trả lời