Lễ cúng giọt nước tại làng Krêl

Cập nhật 28/10/2020, 08:10:25

Mới đây, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San phối hợp với UBND huyện Đức Cơ tổ chức phục dựng lễ cúng giọt nước tại làng Krêl, xã Ia Krêl
Đây là nghi thức quan trọng trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Jrai ở huyện Đức Cơ, được bà con bảo tồn từ bao đời nay. Sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu về phong tục văn hóa hết sức độc đáo này .

Có 7 người tham gia cúng, trong đó, 3 người cúng chính, 4 người còn lại phụ cúng. Vật phẩm cho lễ cúng gồm có: heo, gà, gạo nếp và rượu ghè… Sau khi heo, gà được làm xong, người phụ lễ lấy gan, phổi, thận, đuôi của các con vật này cùng 1 ghè rượu lớn đặt lên bàn cúng và cây nêu tại giọt nước. Công đoạn chuẩn bị hoàn tất, những người tham gia cúng tiến hành nghi thức của buổi lễ…

Người cúng bắt đầu: “Ơ Yàng, hôm nay ngày chúng tôi cúng, sửa giọt nước tại Ia Krêl, có con heo to, có con gà to, có bình rượu to, cầu mong các thần giúp dân làng chúng tôi có nguồn nước sạch, có sức khỏe tốt, làm lúa có nhiều hạt, buôn bán có của cải. Xin các thánh thần giúp cho dân làng chúng tôi làm ăn phát đạt không xấu hổ với người khác…”

Việc phục dựng Lễ cúng giọt nước được tiến hành gần như nguyên bản, nhằm khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng người Jrai ở đây…

Anh Rơ Mah Che, làng Krêl, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, Gia Lai phấn khởi nói: “Trước đây, chúng tôi vẫn duy trì phong tục này, thường được tổ chức vào tháng 10 hàng năm, tuy nhiên chỉ làm nhỏ thôi. Hôm nay, dân làng chúng tôi rất mừng vì được Đảng, Nhà nước quan tâm phục dựng lễ cúng này”.

Ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San cũng cho biết: “Đầu năm đến nay, chúng tôi đã phục dựng được 3 nghi lễ quan trọng, như: lễ cúng cầu mưa, cúng giọt nước… Việc phục dựng các nghi lễ truyền thống là để bà con nâng cao hơn nữa tính cộng đồng để cùng nhau giữ gìn truyền thống văn hóa quý báu này”.

Sau khi lễ cúng tại giọt nước kết thúc, ngày hôm sau dân làng tiếp tục cử hành nghi thức cúng cầu xin thần linh tại nhà rông.

Những lễ nghi, tín ngưỡng đa thần… là di sản, biểu tượng văn hóa đặc sắc của vùng đất Tây Nguyên, dù được tổ chức ở quy mô gia đình hay cộng đồng làng, đều truyền đi thông điệp ấm no, hạnh phúc, cuộc sống đủ đầy đến cho mọi người, mọi nhà./.

Song Nguyễn, Minh Vũ


Lượt xem: 87

Trả lời