Làng chài mùa nước cạn

Cập nhật 15/7/2020, 09:07:18

Ở làng Amil, xã Ayun, huyện Chư Sê, ngoài công việc nương rẫy thuần nông, đồng bào Bahnar nơi đây còn có thêm nghề phụ là đánh bắt thủy sản trên lòng hồ Ayun. Vào mùa nước cạn, chính là thời điểm sôi động nhất để những ngư dân trên vùng đất khó này tìm kiếm cá tôm, đem lại thu nhập cho gia đình. Chúng ta sẽ cùng đến thăm ngôi làng chài này thời điểm hiện nay.

Giữa tháng 6, những cơn mưa vẫn còn khá hiếm hoi ở vùng trũng Ayun, huyện Chư Sê. Lòng hồ Ayun đã cạn. Đây chính là thời điểm sôi động nhất của hoạt động nghề cá tại đây, vì diện tích nước bị thu hẹp, cá tôm sẽ dồn lại tập trung, rất dễ để đánh bắt… Mới sáng sớm, hàng trăm thuyền, ghe, cùng đội ngũ ngư dân tấp nập chuẩn bị ngư cụ, chài lưới cho chuyến đánh bắt trong ngày. Nhiều ngư dân cũng vừa cập bến, kết thúc mẻ thả lưới từ lúc rạng sáng, nửa đêm.

Ông Kpah Răng, làng AMil, Ayun, Chư Sê, Gia Lai chia sẻ: “Mình làm nghề này cũng được 6 năm rồi. Cá nhiều có tiền nhiều, cá ít tiền ít, dân cũng yên tâm vì có thêm thu nhập”.

Ayun có gần 200 hộ dân làng AMil đồng bào Bahnar sống ven lòng hồ, đời sống thuần nông, bấp bênh với cây lúa, mì ngắn hạn. Nếu như trước đây, người dân chỉ nghĩ bắt cá để cải thiện bữa ăn, khi hàng quán, chợ huyện khá xa. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ về phương tiện đánh bắt, chủ trương khuyến khích tham gia đánh bắt theo phương thức truyền thống như dùng thuyền độc mộc, tấm lưới, cần câu nhằm bảo vệ môi trường kết hợp nuôi trồng bền vững của địa phương, nghề cá trở thành công việc chính của nhiều gia đình. Bây giờ thì nhà nào cũng có người đi đánh bắt cá. Đám thanh niên chính là lực lượng lao động chủ yếu cho mỗi gia đình. Đặc biệt, sau khi mùa màng ổn định, đánh bắt cá chính là nghề để người dân tại đây có thêm thu nhập lúc giáp hạt, từng bước giúp người dân cải thiện cuộc sống.

Người dân làng AMil, xã Ayun, Chư Sê, Gia Lai nói: Mình đi đánh bắt cũng thường xuyên, giá cả thu nhập cũng ổn định hơn trước kia.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ayun, Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Đánh bắt thủy sản của bà con vùng lòng hồ là nghề lâu đời. Mỗi người mỗi buổi cũng được hơn chục kg với nhiều loại cá khác nhau. Góp phần thu nhập thêm cho bà con. Chúng tôi cũng có định hướng thống nhất, quản lý thu mua giá cả hợp lý để bảo vệ quyền lợi cho bà con”.

Điều kiện tự nhiên ngày một khắc nghiệt, cá trong lòng hồ cũng không còn nhiều như xưa. Tuy nhiên, người dân vẫn gắn bó với công việc mà nhiều năm nay họ vẫn duy trì, như một phần để làm nên cuộc sống bình yên bên lòng hồ. Cũng là cách để mỗi người quý trọng và mưu sinh với những sản vật đặc trưng mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất trũng này./.

Minh Lý, K’Tuối


Lượt xem: 66

Trả lời