Làm thế nào để học sinh bắt nhịp với việc học

Cập nhật 05/3/2021, 10:03:13

Sau một thời gian nghỉ học kéo dài do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, khi quay trở lại trường, nhiều học sinh không tránh khỏi “lỗi nhịp”. Tuy nhiên làm thế nào để các em củng cố lại những kiến thức cũ, đồng thời tiếp thu kiến thức mới một cách tốt nhất đang là bài toán đặt ra cho các giáo viên, nhất là đối với những giáo viên giảng dạy ở cấp tiểu học. Ghi nhận về tuần học đầu tiên tại một số trường trên địa bàn thành phố Pleiku.

Theo chương trình học tập thì lẽ ra thời điểm này các em học sinh đang bước vào học tuần 24 của năm học 2020 – 2021. Tuy nhiên vì nghỉ do dịch bệnh Covid – 19 nên các trường đang phải tập trung ôn tập lại kiến thức cho các em ở tuần thứ 22 và tuần thứ 23.

Là một giáo viên dạy lớp 1 nhiều năm liền, nhưng năm học này cô giáo Nguyễn Thị Loan – Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Tp. Pleiku cảm thấy khá vất vả. Bởi lẽ các em mới học xong học kỳ 1, kiến thức còn chưa chắc chắn, lại mất mấy tuần liền không ôn tập nên chuyện quên bảng chữ cái, quên phép tính, quên cách đánh vần là chuyện bình thường. Cơ bản là giáo viên phải phối hợp chặt chẽ với phụ huynh giúp các em tiếp thu tốt kiến thức ở nhà cũng như ở trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Loan, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Tp. Pleiku cho biết: “ Khi các em trở lại lớp gặp rất là nhiều khó khăn. Cụ thể là các em học lớp 1 các em mới bước sang viết chữ nhỏ cho nên là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên cùng với sự nỗ lực của cô giáo chủ nhiệm, sự giúp đỡ của BGH nhà trường cũng như là sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh học sinh trong  ngày đầu tiên các em còn bỡ ngỡ, còn quên kiến thức nhưng trong vài ngày gần đây các em đã tiếp cận được kiến thức cũ mà các em đã học. Đến thời điểm hiện tại các em đã theo kịp chương trình tuần 22 chúng tôi đang dạy”.

 Thực hiện theo kế hoạch của Phòng GD&ĐT Tp. Pleiku về việc dạy học trực tuyến cho học sinh trong thời gian tạm dừng đến trường. Tuy nhiên theo số liệu thống kê thì các trường triển khai học trực tuyến chỉ đạt từ 30 đến 50%. Nguyên nhân là do nhiều em không có phương tiện học tập, vì vậy tuần học đầu tiên trở lại trường sau nghỉ dịch buộc các trường đều phải ôn tập lại toàn bộ kiến thức cũ cho học sinh.

 Cô giáo Đặng Thị Tuyết Nhung, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong cũng cho biết: “Để đảm bảo chương trình học theo nội dung dạy học chúng tôi cũng rất là khó khăn. Thứ nhất là đối tượng các em học sinh ở đây là đồng bào dân tộc, các em không có điều kiện học online nên bắt buộc chúng tôi phải ôn lại, giảng lại những kiến thức cơ bản để các em hoàn thành chương trình học tập của mình”.

 Việc học sinh trở lại trường lần này khiến giáo viên khá vất vả vì phải vừa lo chống dịch, vừa phải lo hoàn tất kiến thức cho các em theo kế hoạch năm học. Còn về phía học sinh bản thân các em cũng đã nâng cao ý thức trong việc phòng chống dịch bệnh theo đúng quy định.

Em Trần Thanh Thanh, HS lớp 3.4 – Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Tp. Pleiku cho biết: “Mỗi khi đến trường con sẽ đeo khẩu trang, đeo khẩu trang vào lúc học và lúc ngủ. Mặc dù các con cảm thấy rất là khó chịu nhưng lớp của chúng con rất là cố gắng”.

Theo ghi nhận trong tuần học đầu tiên sau nghỉ dịch tỷ lệ học sinh trên địa bàn thành phố Pleiku đến trường khoảng trên 90%, số còn lại chưa đến trường là do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên hiện các trường cũng đang liên hệ với gia đình đưa các em đi học đầy đủ nhằm đảm bảo kiến thức cho các em. Bên cạnh đó, bản thân mỗi giáo viên cũng đang cố gắng giúp học sinh của mình nhanh chóng bắt nhịp với công việc học tập nhưng tránh gây áp lực đối với học sinh, tạo cho các em tâm lý thoải mái ngay ở tuần học đầu tiên sau một thời gian các em phải nghỉ học ở nhà để phòng, chống dịch bệnh./.

Lệ Xuân, Phi Long


Lượt xem: 93

Trả lời