Ký ức về đường Trường Sơn huyền thoại

Cập nhật 18/5/2019, 22:05:14

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành 2 miền  Nam – Bắc. Trước yêu cầu của thực tiễn, ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy Trung ương đã chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”- Đoàn 559 mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam. Bộ đội Trường Sơn cùng các lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn gian khổ và hy sinh làm nên tuyến giao liên, giao thông huyết mạch đặc biệt quan trọng để chi viện sức người, sức của từ hậu phương cho tiền tuyến lớn. Chiến tranh đã lùi xa song những kỷ niệm về một thời gian khổ vẫn còn in đậm trong ký ức của những người từng tham gia làm nên con đường huyền thoại đó; đặc biệt là những nữ thanh niên xung phong trực tiếp tham gia phá đá, mở đường để thông những tuyến xe chi viện cho miền Nam ruột thịt.

Mỗi lần có dịp gặp nhau, những cựu thanh niên xung phong Hội truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Gia Lai lại quây quần, kể lại cho nhau nghe một thời chiến tranh gian khổ, ác liệt, mưa bom, bão đạn. Cũng như nhiều cô gái khác ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi, năm 1972, khi ấy chưa đầy 18 tuổi, bà Lê Thị Nhân quê ở Hà Tĩnh hiện đang sinh sống ở thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, đã xung phong làm nhiệm vụ vá đường ở ngã Ba Đồng Lộc. Đây là điểm có những tuyến giao thông huyết mạch nên không biết phải gánh chịu biết bao bom, đạn của kẻ thù song những thanh niên xung phong như bà vẫn quyết tâm để cùng với Bộ đội Trường Sơn và dân công hỏa tuyến thông tuyến những con đường bị bom, đạn cày xéo.

Bà Lê Thị Nhân – Thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, Gia Lai, Cựu thanh niên xung phong đường Hồ Chí Minh nhớ lại: “Ngã Ba Đồng Lộc là tuyến đường huyết mạch cho nên là một ngày không biết bao nhiêu bom đạn dội xuống; những lúc mà ngớt bom là chúng tôi có mặt để thông đường, thông tuyến và nhớ những lúc trên trời thì pháo sáng mà bên dưới chúng tôi vẫn quyết tâm làm đường để cho xe thông qua”.

16 năm trên tuyến đường Trường Sơn lớp lớp cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã nguyện làm “tường đồng, vách sắt” kiên cường bám trụ giành giật lại từng thước đường với khẩu hiệu: “Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”. Và với những nữ thanh niên xung phong họ còn lấy tiếng hát át tiếng bom để phá đá, mở đường.

Bà Võ Thị Lan – Xã Ia Yok, huyện Ia Grai, Gia Lai, Cựu thanh niên xung phong đường Hồ Chí Minh cho biết: “Làm với khí thế tinh thần là anh chị em quyết tâm mở đường, quyết tâm làm như thế nào để thông tuyến, thông đường; làm như thế nào để được những thương binh về lại sau tuyến”.

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt đó, biết bao người con Anh hùng của dân tộc Việt Nam đã anh dũng nằm xuống. Những hy sinh đó đã trở thành động lực thôi thúc từng cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong càng quyết tâm hơn thông tuyến cho đường Trường Sơn chiến lược, chi viện cho miền Nam ruột thịt.

Bà Lê Thị Khoa – Xã K’Dang, huyện Đak Đoa, Gia Lai, Cựu thanh niên xung phong đường Hồ Chí Minh chia sẻ: “Bạn bè mình đã hy sinh rồi nên mình phải làm phần của bạn bè nữa cho nên là rất tích cực, phải làm ngày, làm đêm. Vào ban ngày khi thấy máy bay địch thì phải trốn vào núi mà thấy bạn bè mình hy sinh nhiều quá nên mình phải hành động để đem lại thành quả cho quê hương để đáp lại tình cảm của những người đã hy sinh”.

60 năm đã đi qua song khí thế của những ngày mở đường, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước vẫn còn đây. Và chính khí thế đó đã làm nên con đường Trường Sơn huyền thoại, thể hiện khát vọng độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam./.

Đức Hải, Huy Toàn

 


Lượt xem: 52

Trả lời