Ký ức của những Cựu Chiến binh từng tham gia trận chiến giải phóng Gia Lai  

Cập nhật 16/3/2018, 14:03:09

Trong những ngày tháng Ba lịch sử này, cùng với quân dân cả nước, ký ức hào hùng lại trở về trong mỗi cựu chiến binh đã từng sống, chiến đấu tại Gia Lai. Đã 43 năm sau ngày đất nước thống nhất, nhưng Chiến dịch Tây Nguyên, mà mở đầu là giải phóng Gia Lai luôn là một nét son chói lọi không bao giờ phai nhạt trong mỗi người lính từng tham gia sự kiện lịch sử này.

Lật lại ký ức, khóe mắt của người cựu chiến binh già Lê Khắc Hùng lại rưng rưng kỷ niệm về những ngày đêm hào hùng của quân và dân Gia Lai tham gia giải phóng thành phố Pleiku. Và giây phút ông cùng những người đồng đội  cắm lá cờ giải phóng lên tòa nhà hành chính chế độ cũ, đánh dấu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Gia Lai giành thắng lợi hoàn toàn có lẽ là khoảnh khắc cả cuộc đời ông sẽ không thể nào quên.

Ông Lê Khắc Hùng – Nguyên Trung đội trưởng Đội 3, Đại đội 70, Tiểu đoàn 408 đặc công tỉnh Gia Lai nhớ lại: “Đó là một trong những khoảnh khắc lịch sử của cuộc đời tôi. Tôi được giao nhiệm vụ đến tòa hành chính để giải quyết số địch còn bám trụ lại. Lúc tôi giao nhiệm vụ cho đồng chí Triệu La Phương và đồng chí Trịnh Thế Đoàn treo cờ Giải phóng. Khi người dân biết quân giải phóng vào tiếp quản thành phố Pleiku, nhà nào cũng bung cờ ra treo, khí thể của người dân rất hồ hởi”.

Đối với những cựu chiến binh thuộc Tiểu đoàn 408 đặc công, nhắc đến ngày lịch sử 17/3/1975, trong lòng mỗi người đều ngập tràn niềm vui và tự hào. Thời điểm đó, ông Chu Quang Tùy nguyên là đại đội trưởng Đại đội 70, Tiểu đoàn 408 trực tiếp tham gia trận đánh giải phóng Pleiku. Ông nhớ lại, chưa bao giờ bộ đội ta ra trận phấn khởi và tràn đầy niềm tin như trận đánh này.

Ông Chu Quang Tùy – Nguyên Đại đội trưởng Đại đội 70, Tiểu đoàn 408 đặc công tỉnh Gia Lai cho biết: “Đại đội 70 khi nhận được nhiệm vụ đã họp ban chỉ huy, phân công nhiệm vụ các đồng chí đi chuẩn bị chiến trường. Tôi là người chỉ huy trực tiếp đi chuẩn bị chiến trường cùng một số anh em ở trung đội, tiểu đội áp sát mục tiêu quyết tâm giải phóng Pleiku, giải phóng Tây Nguyên là giải phóng được tất cả”.

Ông Lê Khắc Hùng – Nguyên Trung đội trưởng Đội 3, Đại đội 70, Tiểu đoàn 408 đặc công tỉnh Gia Lai cũng nói: “Lúc đó khí thế hừng hực lắm. Không nghĩ là giải phóng nhanh như vậy. Niềm vui mừng không thể tả được. Người dân cứ hô: “Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam muôn năm!”.

43 năm qua, mỗi khi nhớ lại những ngày tháng 3 lịch sử ấy, những người lính già lại tự tìm những lý giải cho sức mạnh nào đã giúp họ vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, ác liệt để chiến đấu và chiến thắng. Có lẽ, niềm tin là tất cả. Niềm tin đã giúp họ vượt qua chính mình để bây giờ nhớ lại họ vẫn cảm thấy rất đỗi tự hào về sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của cả một thế hệ cho nền độc lập, thống nhất của dân tộc.

Ông Chu Quang Tùy – Nguyên Đại đội trưởng Đại đội 70, Tiểu đoàn 408 đặc công tỉnh Gia Lai cho biết: “43 năm sau giải phóng thành phố Pleiku phát triển rất mạnh. Từ đời sống, kinh tế, nhà cửa đồ sộ, đường sá rất đàng hoàng. Bao nhiêu năm gian khổ rồi, bây giờ đời sống nhân dân phát triển thì bản thân tôi rất mừng”.

Sau khói lửa chiến tranh, TP. Pleiku nói riêng, tỉnh Gia Lai nói chung đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Được sống trong hòa bình hôm nay, chúng ta càng thêm thấu hiểu được những giá trị và mất mát hy sinh  từ cuộc chiến đấu hào hùng, từ đó  thi đua đóng góp công sức xây dựng Gia Lai ngày càng phát triển, hòa nhập với  tiến trình phát triển chung của đất nước.

Nhâm Dung, Huy Toàn


Lượt xem: 178

Trả lời