Ký ức của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa về những năm tháng kháng chiến trên vùng đất Gia Lai

Cập nhật 02/4/2022, 10:04:52

Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam, nhiều tên đất, tên làng, tên người cùng với những trận đánh, những chiến công vang dội đã mãi đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc như những huyền thoại. Trong suốt chiều dài của cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai luôn đoàn kết, kiên cường, bất khuất trước quân thù; thủy chung, son sắt đối với cách mạng, một lòng một dạ tin yêu và đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã chọn; vượt qua muôn trùng khó khăn, gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách, góp phần cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thu giang sơn về một mối. Đối với các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa từng trải qua những năm tháng chống Pháp, chống Mỹ trên vùng đất cao Nguyên Gia Lai thì ký ức về lịch sử hào hùng của quân và dân Gia Lai mãi là những kỷ niệm khó quên theo suốt năm tháng cuộc đời.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã để lại trong tâm trí ông Ngô Thành – nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, cán bộ lão thành cách mạng rất nhiều hoài niệm.

Sinh năm 1927, được giác ngộ cách mạng từ năm 14 tuổi và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở quê nhà (ở xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), năm 1951 ông Ngô Thành – nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai lên Gia Lai và tiếp tục tham gia cách mạng tại đây. Với nhiều trọng trách đảm nhận trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã để lại trong tâm trí ông- cán bộ lão thành cách mạng rất nhiều hoài niệm. Trong đó, trận chiếm đồn Chư Ty và giải phóng Chư Ty vào năm 1954 là 1 trong những kỷ niệm đáng nhớ trong thời kỳ chống Pháp.

Ông Ngô Thành cho biết: “Năm 1954 tình hình trong nước và thế giới có nhiều thuận lợi nên địch dao động. Đồn Chư Ty, nay là huyện Đức Cơ bị dao động, tối nó không dám ngủ ở đồn mà ra làng đồng bào dân tộc để ở, bọn tôi biết được điều đó, bọn tôi có 4 người, gồm 3 cán bộ và 1 y tá là 4 người, trước tình hình đó tận dụng để giành thắng lợi. Bọn tôi bàn với nhau là huy động thêm một số anh em ở cơ sở, vận động 1 anh chủ làng, dùng anh làm môi giới để tấn công địch. Bọn tôi đưa ảnh vào gặp đồn trưởng vừa thuyết phục, vừa ra lệnh, nói chung là buộc nó phải đầu hàng để nhận khoan hồng. Trước tình hình đó/ ảnh chấp nhận đưa hết vũ khí cho ta, thu 43 súng, giải quyết được đồn này, khi đồn này không còn thì tề cũng không dám ở và chạy về huyện Chư Ty. Bọn tôi nhân đó tổ chức mittinh và lễ hội 1 ngày buổi chiều và đêm để mừng chiến thắng và kêu gọi thanh niên, có trên 50 thanh niên nhập ngũ để nhận vũ khí này trang bị. Như vậy huyện Chư Ty này giải phóng trước khi ký Hiệp định Giơnevơ khoảng 1 tuần”.

Còn đối với ông Phan Anh Tuấn- nguyên Phó Chỉ huy trưởng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai – Kon Tum, đồng thời là cán bộ tiền khởi nghĩa hiện sinh sống tại TP. Pleiku thì mặc dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn còn nhớ như in những ký ức hào hùng về thời kỳ tham gia cách mạng, đặc biệt là tham gia xây dựng phong trào du kích chiến tranh trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ. Cuốn album “Những kỷ vật của đời lính” được ông lưu giữ như một tài sản vô giá với bao kỷ niệm đẹp cùng nhiều huân, huy chương cao quý mà bản thân ông vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng. Đặc biệt, tình nghĩa đồng chí đồng đội, tình quân dân, nghĩa tình đồng bào trong kháng chiến mãi là ký ức không thể nào quên đối với người đảng viên 73 năm tuổi Đảng này.

 Ông Phan Anh Tuấn- nguyên Phó Chỉ huy trưởng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai – Kon Tum, cán bộ tiền khởi nghĩa nhớ lại: “Làng A ở xã Gào, thị xã Pleiku, làng A là bí danh chứ thật ra là làng Ring Te. Chi bộ Đảng họp ban ngày ở trong làng bố trí mấy cụ già ở cổng làng đan gùi đồng thời canh gác để cảnh giới địch. Khi ban ngày địch đi lùng đến thì mấy cụ già cắm 1 cái cành lá, theo tập quán của ĐBDT là cắm cành lá tươi đó thì kiêng không được vào làng, cho nên địch phải thực hiện theo phong tục tập quán của dân làng rút lui. Chiều vẫn họp trong làng, đó là cái đặc sắc nhất trong vùng địch mà chi bộ đảng họp ban ngày vẫn đảm bảo an toàn mà chỉ có Gia Lai, TP.Pleiku mới có.  Thứ 2 là ở xã Hà Bầu ở làng Bông, làng Vẽ ở vùng địch kiểm soát nhưng nhân dân đóng góp lương thực cho cách mạng, bằng cách xây các chòi lúa ở trong làng như chòi lúa của dân, ban ngày địch vào làng nhưng ban đêm tới mùa gặt mỗi gia đình một gùi lúa đổ vào trong kho, đổ đầy các kho của 2 làng, bọn tôi tiểu đoàn H15 và Tiểu đoàn đặc công 408 sống là nhờ mấy kho lúa của Hà Bầu. Tôi cho rằng Đảng bộ Gia Lai đã phát huy sáng tạo cái công tác dân vận, phong trào nhân dân du kích chiến tranh rất độc đáo”.

Có thể nói, cùng với quân và dân cả nước, những chiến công trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mãi là bản anh hùng ca về lòng yêu nước, đức hy sinh, tinh thần quả cảm, ý chí cách mạng kiên cường của quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai. Chiến tranh đã lùi xa theo năm tháng nhưng với những cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa và những người lính cụ Hồ cùng bao người khác từng một thời chiến đấu, sinh sống trên mảnh đất Gia Lai thì ký ức về một thời gian khổ, hy sinh nhưng cũng rất đỗi tự hào của dân tộc mãi là kỷ niệm thiêng liêng không thể nào quên trong suốt cuộc đời. Tiếp nối những công lao, đóng góp và sự hy sinh của bao thế hệ cha ông đi trước, các thế hệ hôm nay đã và đang ra sức đóng góp tâm sức nhằm xây dựng quê hương Gia Lai ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với vùng đất giàu truyền thống cách mạng./.

 Thiên Thanh, Phi Long


Lượt xem: 54

Trả lời