Kỳ họp thứ Tư, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Tập trung thảo luận nhiều vấn đề trọng tâm

Cập nhật 09/12/2021, 11:12:02

Hôm nay (9/12), Kỳ họp thứ Tư, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021 – 2026) bước sang ngày làm việc thứ 2. Theo chương trình, trong ngày hôm nay, Kỳ họp sẽ giành 1 ngày để các đại biểu thảo luận tổ. Theo ghi nhận, các ý kiến thảo luận tại 5 tổ trong sáng nay, cùng với việc bày tỏ sự đồng thuận, thống nhất cao với các báo cáo, dự thảo nghị quyết đưa ra tại Kỳ họp, các đại biểu cũng đã tập trung phân tích, làm rõ nhiều vấn đề trọng tâm về kết quả tỉnh đã đạt được trong năm 2021 và nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022.

Các đại biểu thảo luận tại Tổ

Qua ý kiến thảo luận tổ, các đại biểu đều đánh giá cao hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và công tác quản lý, điều hành của UBND tỉnh trong năm 2021. Dù chịu nhiều tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, giá cả phân bón tăng cao, biến đổi khí hậu; song đến cuối năm 2021, các chỉ tiêu cơ bản của tỉnh đều đạt và vượt so với Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Qua đây, một số đại biểu cũng kiến nghị làm rõ một số chỉ tiêu về tốc độ tăng giá trị sản xuất, thu nhập bình quân đầu người trong năm 2021 để có tính thuyết phục cao. Đối với 4 chỉ tiêu không đạt, các đại biểu cũng cho rằng chủ yếu là do nguyên nhân khách quan, song cần phân tích, đánh giá từng chỉ tiêu không đạt để có giải pháp thực hiện trong năm 2022. Vấn đề được các đại biểu quan tâm và đề cập nhiều là những tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với phát triển kinh tế – xã hội và đời sống, sản xuất của người dân và doanh nghiệp. Vì hiện nay, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và cần bổ sung nguồn lực cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là cho đội ngũ y tế.

Ông Nguyễn Minh Trưởng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Gia Lai, Đại biểu HĐND tỉnh đơn vị TP. Pleiku nêu: “Chế độ đãi ngộ đối với lực lượng y tế, nhiều y bác sĩ xin chuyển, nghỉ việc, chế độ chính sách ít thì cũng khó… Cơ chế tự chủ của TTYT thì 2-3 năm nay cũng không được nhiều, nguồn thu không nhiều, ảnh hưởng đến đời sống của nhân viên y tế… nên xin ý kiến để sơ kết việc tự chủ thu chi để trong thời gian tới thực hiện tốt hơn”.

Ông Phan Văn Trung – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kông Chro, Đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Kông Chro phát biểu: “Riêng cho công tác phòng chống dịch thì bây giờ chúng ta thiếu nguồn lực rất là nhiều ở tại các địa phương. Cho nên tỉnh cũng sớm nghiên cứu để tuyển dụng. Xin báo với các đồng chí là bây giờ tâm tư, nguyện vọng của anh em làm trong ngành Y tế là có bị dao động, bởi hiện nay lương nói chung là thấp nhưng mà công việc thì quá nhiều. Trong khi đó không đảm bảo nguồn nhân lực để mà thực hiện nhiệm vụ này thì đây cũng là một nội dung mà hiện nay xã hội rất là cần”.

         

Các đại biểu thảo luận tại Tổ

Cùng với đó, một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nữa đó là công tác giải quyết việc làm cho lao động là người trở về địa phương từ vùng dịch.

Ông Nguyễn Hữu Thọ – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đak Đoa, Đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Đak Đoa cũng ý kiến: “Ở địa phương thì chúng tôi lo lĩnh vực này lắm, rất quan tâm và chúng tôi đã chỉ đạo cho UBND huyện là phải rà soát, đánh giá sát số lao động mất việc làm hoặc là chưa có việc làm ở phía Nam về. Chúng tôi có hàng ngàn, trên 4.000 người, từ đó ảnh hưởng đến 4.000 gia đình về thu nhập bởi vì họ lao động chính, thu nhập chính để gửi về và họ là lực lượng tiên phong trong giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong các hộ. Giải pháp của chúng ta thời gian tới là phải có giải pháp gì, cũng đề nghị tỉnh nên có vì tỉnh mới đưa ra chế chộ, chính sách được chứ cấp huyện không có”.

Một vấn đề khác cũng được các đại biểu đưa ra thảo luận nhiều là công tác dạy và học trực tuyến. Theo các đại biểu, ngành Giáo dục cần có phương án, phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng, từng khu vực để đảm bảo chất lượng dạy và học.

Ông Đinh Văn Dũng – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chư Prông, Đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Chư Prông nêu: “Về công tác dạy và học. Các đồng chí nói là nếu không học được trực tiếp thì học trực tuyến. Nói học trực tuyến là nói ở thành phố, các vùng thuận lợi, dân trí cao; còn ở những xã vùng sâu,vùng xa, dùng đặc biệt khó khăn thì không có máy để học. Cho nên các đồng chí cần tính toán làm sao để có phương pháp giảng dạy cho phù hợp”.

Đối với các dự thảo nghị quyết được trình tại Kỳ họp, các đại biểu cũng đánh giá cao và cho rằng đây là những vấn đề có ý nghĩa và tính chất đặc biệt quan trọng, tổng quát trên tất cả các lĩnh vực và sẽ áp dụng, thực hiện xuyên suốt cả giai đoạn 2021-2025; góp phần tác động tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh năm 2022 và những năm tiếp theo. Qua đây, một số đại biểu cũng kiến nghị cần có những điều chỉnh trong phân cấp dự toán thu, chi và làm rõ một số vấn đề trong phân khai dự toán năm 2022 và cho cả giai đoạn 2022-2026 để đảm bảo cho hoạt động ở các địa phương.

Về vấn đề nguồn thu sử dụng đất ông Vũ Tiến Anh – Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Đại biểu HĐND tỉnh đơn vị TP. Pleiku nói: “Nguồn thu sử dụng đất , các dự án phát triển quỹ đất, kêu gọi đầu tư của tỉnh chủ yếu trên địa bàn TP. Pleiku trong khi Pleiku thực hiện các loại quy hoạch, giá đất… nhưng tỉnh thu 100% thì khó cho địa phương. Ban KT-NS đề nghị tỉnh hưởng 80%, TP. Pleiku 20% để tạo động lực cho TP. Pleiku phát triển, kéo theo các đô thị. Nguồn cho thuê đất hàng năm… đề nghị tỉnh hưởng 60%, Pleiku hưởng 40%”.

Ông Nguyễn Đình Phương – Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách, HĐND tỉnh, Đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Chư Prông phát biểu: “Phương án phân bổ dự toán thu chi năm 2022 thì hiện tại đang trình cho HĐND. Trong lúc chúng ta chưa phân khai các định mức nên các huyện nhìn vào dự toán thì thấy thiếu rất là nhiều. Sau khi chúng ta đồng ý phân bổ ngân sách này thì ngành Tài chính sẽ chạy lại dự toán để xác định lại dự toán thu chi giao cho các huyện. Song ở đây có 2 vấn đề cần quan tâm là cho dù có chạy lại dự toán hay không thì 2 khoản là hỗ trợ cho dân quân thường trực và cán bộ bán chuyên trách cấp xã, thôn, làng thì không có trong dự toán song chúng ta phải tính toán để bố trí chi 2 khoản này khoảng 300 tỷ;vì đây là chế độ con người”.

Cùng với đó, nhiều vấn đề cũng được các đại biểu đưa ra thảo luận tại tổ. Đó là: Giải pháp phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19; việc đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước năm 2022; bao tiêu sản phẩm làm ra cho người dân; giải pháp đảm bảo chỉ tiêu giảm nghèo, đào tạo, giải quyết việc làm năm 2022 và nhiều vấn đề, nội dung quan trọng khác.

Theo chương trình, chiều nay (9/12), Kỳ họp thứ Tư, HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021 – 2026) sẽ tiếp tục thảo luận tại tổ. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật nội dung thảo luận tổ và phản ánh chi tiết trong bản tin tiếp theo./.

    Đoàn Bình – Đức Hải – R’Piên – Thanh Sáng


Lượt xem: 20

Trả lời