Krông Pa tiềm ẩn nhiều rủi ro từ những cây cầu tạm

Cập nhật 25/7/2017, 14:07:14

Tại huyện Krông Pa, vấn đề người dân qua sông bằng những cây cầu tự làm hay còn gọi là cầu tạm đã không còn xa lạ. Cầu tạm đã giúp ích rất nhiều cho  việc đi lại, giao lưu buôn bán. Thế nhưng, điều đáng nói khi mùa mưa lũ về, thì việc đi lại trên những cây cầu tạm luôn tiềm ẩn những hiểm nguy khó lường.

Cây cầu tạm  bắc qua sông Ba nối liền xã Phú Cần với các xã thuộc phía Nam của huyện Krông Pa. Cầu có chiều dài 350 mét, được một số hộ dân góp tiền và tự mua vật liệu là những miếng ván và thân cây bạch đàn về làm. Dù thô sơ nhưng mỗi ngày vẫn có hơn 1.000 lượt người qua lại, dẫu biết điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.

Anh Nay Sơn – Xã Ia Rmok, huyện Krông Pa nói: “Đi mùa khô thì bình thường, còn đi mùa mưa thì cũng sợ do nước sông dâng lên lớn”.

Huyện Krông Pa hiện còn 5 cây cầu tạm có chiều dài từ 200 – 400 mét. Điều đáng nói, mặc dù địa phương đã xây dựng cầu bê tông kiên cố thay thế nhưng người dân vẫn sử dụng cầu tạm. Theo lý giải của người dân, để sang được thị trấn Phú Túc thì con đường ngắn nhất là đi qua những cây cầu tạm này. Vì sự tiện lợi đó, hàng ngày họ vẫn chấp nhận trả phí cho chủ cầu để được đi lại….

Ông Nguyễn Khắc Dưng – Chủ tịch UBND xã Phú Cần, huyện Krông Pa cho biết: “Nhu cầu của người dân là muốn đi phương tiện cho nó gần đây nên đã đi qua cầu tạm. Về phía chính quyền địa phương cũng đã khuyến cáo bà con là khi đi qua cầu tạm mà trời mưa to, nước lũ là không nên đi. Hai nữa là cũng cho chủ đò ký cam kết là không cho người dân đi qua khi mưa lũ. Xã cũng chỉ đạo cho Tổ tự quản an toàn giao thông kết hợp với xã Ia Rmok tăng cường kiểm tra khi có mưa to, nước lũ để đảm bảo an toàn cho người dân”.

Gia Lai đang bước vào cao điểm mùa mưa lũ, liệu rằng những cây cầu này có đủ đảm bảo để cho người lưu thông. Rất mong chính quyền địa phương cần có những giải pháp phòng ngừa hữu hiệu nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra…/.

Đoàn Bình


Lượt xem: 59

Trả lời