Không để hộ nghèo thiếu vốn

Cập nhật 09/11/2018, 08:11:30

Nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng được bao phủ rộng khắp các địa bàn trong tỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Qua đó đã giúp cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống. Tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Gia Lai cam kết sẽ không để hộ nghèo thiếu vốn đầu tư sản xuất kinh doanh.

Vốn là hộ nghèo của xã Tú An, thị xã An Khê, năm 2009 gia đình anh Lê Quang Hưng vay Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã An Khê 20 triệu đồng để chăn nuôi bò. Nhờ chịu khó làm ăn, gia đình anh Hưng cũng tích lũy được một ít vốn ngoài khoản tiền trả nợ ngân hàng. Với số tiền tích lũy được, năm 2014 anh Hưng quyết định vay thêm 30 triệu để đầu tư phát triển cây mía, rau màu các loại. Với 3 ha mía, 1 ha rau màu và chăn nuôi bò, đến nay kinh tế gia đình anh Hưng đã ổn định, là một trong những hộ có thu nhập khá trong thôn.

Anh Lê Quang Hưng- Thôn Cửu Đạo 1, xã Tú An, thị xã An Khê cho biết: “Mấy năm qua cũng nhờ vốn NHCSXH cũng giúp cho gia đình tháo gỡ khó khăn. Vay về mua bò, làm thêm bí, bầu. Mía là cây chủ lực. So với những năm trước nhờ khoản vay ngân hàng mà cuộc sống cũng đủ ăn, đủ mặc, con cái học hành.

Anh Nguyễn Hồng Minh trước đây là hộ nghèo của xã Tú An. Từ 10 triệu đồng vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội, anh Minh mua một con bò, trồng thêm rau màu các loại, sau một thời gian nhờ chịu thương chịu khó đến nay gia đình anh đã thoát nghèo và ngày càng phát triển ổn định”.

Anh Nguyễn Hồng Minh- Xã Tú An, thị xã An Khê cũng nói: “Nhờ vốn NHCS mình có điều kiện để làm,  gia đình lúc trước cũng khó khăn, vay được vốn để làm mới có được như hôm nay. Hàng năm thu hoạch cũng được 55-60 triệu. Làm nông thì cũng tùy thuộc giá cả, năm được như làm bí thì cũng được 100 triệu”.

Bà Trần Thị Thủy Tiên- Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã An Khê cho biết: “Hầu như các hộ vay vốn về đều sử dụng đúng mục đích, bà con chăn nuôi , trồng trọt. Sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả lãi đều đặn. Bên cạnh đó hộ vay còn tham gia gửi tiết kiệm tổ. Ý thức hộ vay rất tốt trong vấn để sử dụng vốn, trả nợ”.

Tính đến hết quý III/2018 tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đạt trên 4 ngàn tỷ đồng với gần 140 ngàn hộ dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo chiếm hơn 33% tổng dư nợ. Riêng 9 tháng đầu năm nay doanh số cho vay đạt gần 1.300 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo chiếm hơn 64%. Với kết quả đạt được cho thấy Ngân hàng Chính sách Xã hội Gia Lai đã nỗ lực trong việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục thực phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, góp phần đầy lùi nạn tín dụng đen đang hoành hành ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay, cam kết không để hộ nghèo và các đối tượng chính sách thiếu vốn.

Về vấn đề này ông Lê Văn Chí- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Gia Lai cho biết: “Chi nhánh NHCSXH Gia Lai đã và đang tập trung thực hiện phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ nhận ủy thác, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hộ nghèo mạnh dạn vay vốn làm ăn để phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo. Phối hợp với các ngành, tổ chức hội đoàn thể làm tốt công tác khuyến nông, hướng dẫn sản xuất cho hộ nghèo, phối hợp lồng ghép Chương trình chính sách xã hội với các chương trình phát triển kinh tế khác nhằm giúp hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, nâng cao hiệu quả vốn tín dụng. Tập trung tranh thủ nguồn vốn của TW, tranh thủ nguồn vốn địa phương để mở rộng cho vay, đáp ứng kịp thời vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn, không để hộ nghèo thiếu vốn sản xuất”.

Kết hợp với các chương trình đầu tư hỗ trợ của nhà nước với nguồn vốn tín dụng chính sách, cơ hội để người dân thoát nghèo là rất cao. Tuy nhiên để góp phần thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, hiện nay vẫn còn những rào cản cần tháo gỡ như thói quen sinh hoạt, sản xuất và một số hủ tục lạc hậu…đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số.

Hồng Uyên, Thanh Sáng


Lượt xem: 43

Trả lời