Khởi sắc nhờ thay đổi nếp nghĩ cách làm

Cập nhật 20/1/2023, 06:01:17

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đã có nhiều mô hình thiết thực được triển khai và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Là nét riêng của Gia Lai trong việc triển khai công tác dân tộc, Cuộc vận động đã tạo bước đột phá trong việc thay đổi căn bản về nhận thức và cách thức sản xuất, nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong vùng dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên, diện mạo của nhiều vùng quê ngày càng khởi sắc.

Khu vườn rẫy rộng hơn 1,6 ha của gia đình ông Bao ở làng Muôi, xã Hòa Phú, huyện Chư Păh. Trước đây, diện tích đất này gia đình ông trồng bời lời và cây cà phê mít nên hiệu quả đem lại thấp. Thực hiện thay đổi nếp nghĩ cách làm, từ năm 2016 gia đình ông đã mạnh dạn chuyển sang trồng cà phê giống mới và xen một vài loại cây ăn quả; đồng thời chăn nuôi thêm bò và heo….Nhờ đó, thu nhập kinh tế gia đình của ông Bao hằng năm tăng lên và có của ăn của để.

Ông Bao – Làng Muôi, xã Hòa Phú, huyện Chư Păh nói: “Mình được hướng dẫn chuyển đổi cây trồng và được vay vốn chuyển sang trồng cây cà phê vối, cứ chuyển dần dần vài trăm cây và nay được  hơn 1.600 cây rồi. Mình trồng xen thêm cây ăn quả nữa, thu nhập cũng khá”…

Cùng với gia đình ông Bao, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã thay đổi nếp nghĩ cách làm, áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó đã tăng thu nhập, từng bước nâng cao đời sống

Anh Đinh Hdót  – Làng Đak Pơ Kao, xã Tơ Tung, huyện Kbang chia sẻ: “Lúc trước gia đình chỉ làm lúa rẫy và cây bắp. Gần đây thì được cán bộ vận động nuôi thêm dê. Đàn dê mới đầu chỉ có 6 con, đến nay dê sinh nhiều và bán lấy tiền, trong chuồng thì đàn dê duy trì 30 con để sinh sản…nuôi dê bán có tiền nhiều, cho con ăn học và mua sắm”….

Với phương châm “cầm tay, chỉ việc” và hỗ trợ sinh kế; vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hơn 10 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã duy trì trên 400 mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả; nhân rộng 398 mô hình với trên 18 ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Nhiều địa phương đã có cách làm hay, phù hợp với thực tế cơ sở và đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Ông Võ Xuân Bảo – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh cho biết: “Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số” chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền và vận động người dân tham gia các mô hình mới như trồng xen  sầu riêng trong cà phê; mô hình trồng cây ăn quả; mô hình nuôi bò, nuôi heo lai; mô hình nuôi ong lấy mật và đã đem lại thu nhập cao cho người dân vùng DTTS. Hiện nay thì chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động này,  mở rộng một số mô hình đạt hiệu quả  cao, để nâng cao đời sống cho người dân vùng dân tộc thiểu số”…

Ông Hlây – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Yă, huyện Mang Yang cho biết: “Chúng tôi vận động người dân thay đổi cây trồng vật nuôi phù hợp với địa phương. Địa bàn chúng tôi người dân tộc thiểu số đã trồng thêm cây ăn quả, rau màu phụ; cây cà phê thì cà phê ghép cho năng suất cao; nuôi thêm nhiều bò dê…Nhờ chuyển đổi nên thu nhập bà con được nhiều hơn, tết năm nay bà con đón tết rất vui vẻ”….

 Hiệu quả từ triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” kết hợp với nhiều chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo đã góp phần giúp hơn 29.500 hộ nghèo dân tộc thiểu số trong tỉnh vươn lên thoát nghèo bền vững. Thu nhập kinh tế gia đình tăng lên, người dân có điều kiện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn khang trang, sạch đẹp hơn. Nhịp sống mới hiện hữu với những con đường hoa dọc theo hai bên đường làng được bê tông hóa; trên gương mặt những nông dân chất phác là nụ cười hạnh phúc, cùng nhau đoàn kết, chung tay xây dựng thôn làng ngày càng ấm no, hạnh phúc./.

Ngọc Ánh,  Piên


Lượt xem: 54

Trả lời