Khoa học và công nghệ tạo đà cho phát triển nông nghiệp.

Cập nhật 18/5/2019, 22:05:36

Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Từ các chương trình, dự án khoa học, công nghệ được các cấp, ngành hỗ trợ triển khai đã giúp người dân thay đổi nhận thức trong sản xuất, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật tiến bộ vào trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, với xu hướng phát triển mà tỉnh đang hướng đến là nông nghiệp công nghệ cao để xây dựng những sản phẩm đặc trưng của địa phương thì việc ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ tiên tiến của Sở Khoa học và Công nghệ là vô cùng quan trọng.

Tháng 4-2017, từ nguồn kinh phí Sự nghiệp khoa học, công nghệ  hỗ trợ Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Pah đã triển khai dự án trồng và sơ chế chuối tại xã Ia Kreng với 10 hộ dân tham gia. Dự án tiến hành khoanh nuôi, trồng mới quy mô 10 ha và đầu tư 1 máy sấy chuối, tổng kinh phí hơn 600 triệu đồng. Sau thời gian thực hiện, dự án đã phát huy hiệu quả, đặc biệt chuối rừng được phơi sấy góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm, nhất là trong mùa mưa.

Ông Đinh Viết Tân – Làng Dip, xã Ia Kreng, huyện Chư Pah, Gia Lai cho biết: “Máy này dự án đầu tư để tại nhà tôi, bà con đi làm về tôi mua, tạo điều kiện việc làm cho bà con trong xã. Một ngày mình mua 5-7 tạ đến 1 tấn”.

Song song với việc thực hiện dự án, mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thì Sở Khoa học và Công nghệ còn hỗ trợ người dân xây dựng, bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm gắn với chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng,…Qua đó, thay đổi nhận thức người dân, các tổ chức sản xuất bảo vệ, phát triển thương hiệu cũng như giúp người tiêu dùng biết về sản phẩm. Từ đó, nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Anh Đặng Đình Giáp, Tổ dân phố 5, Thị trấn Đak Đoa,  huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai cho biết: “ “Đi theo xu hướng của xã hội, thứ nhất là làm mô hình sạch thì mình thấy rất nhiều người, nhiều khách hàng đến tận vườn mới biết được cách sản xuất hữu cơ, làm sạch từ trái còn nhỏ nên mọi người thấy an toàn nên được nhiều người dân ưa chuộng. Mình đã xây dựng thương hiệu là Ổi lê Mười Giáp cũng đã đăng kí trên Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai.”

Với vai trò, nhiệm vụ của mình, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Cụ thể, từ các chương trình nghiên cứu nhằm tìm ra những giống cây cho năng suất cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Đồng thời, tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi giúp người dân có thêm kiến thức phục vụ phát triển kinh tế.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai cho biết: “Ngành Khoa học và Công nghệ tích cực tham mưu, chuyển giao các ứng dụng công nghệ mới vào trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra những giá trị gia tăng cao trong sản xuất. Chúng tôi lấy người dân, chủ trang trại, các doanh nghiệp để phục vụ kết nối, giới thiệu công nghệ vào trong sản xuất kể cả trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp để ứng dụng công nghệ cao và trong lĩnh vực chế biến tạo ra những sản phẩm mới của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”.

Từ những đóng góp của Sở Khoa học và Công nghệ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nguồn lực, nhân lực, đội ngũ tri thức trình độ cao tại địa phương chưa thể đáp ứng, hỗ trợ nông nghiệp trong xu thế phát triển chung. Hy vọng, các cấp sẽ có những chủ trương, định hướng nhằm thúc đẩy khoa học, công nghệ đáp ứng cho việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Thúy Diện, Duy Linh

 


Lượt xem: 55

Trả lời