Khi thầy cô thay đổi

Cập nhật 09/11/2018, 08:11:22

Để thay đổi một con người cả về tính cách và vẻ bề ngoài là chuyện không hề đơn giản, nhất là đối với các thầy cô giáo, những người lâu nay luôn được xem là thước đo cho mọi chuẩn mực đạo đức trong xã hội.

Ấy vậy mà tại trường THPT Trần Cao Vân, huyện Chư Sê, chính các em học sinh đã và đang làm cho các thầy cô giáo của mình phải thay đổi theo chiều hướng tích cực bằng một phong trào thi đua do Ban giám hiệu nhà trường phát động từ đầu năm học 2017 – 2018 với tên gọi “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”. Từ những sự thay đổi dù rất nhỏ ấy, những tiết học của các em đã dần trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.

Phiếu khảo sát ý kiến của học sinh Trường THPT Trần Cao Vân huyện Chư Sê

“Mỗi khi đến tiết học của thầy (cô), em cảm thấy bình thường”; hoặc “Cô cần thay đổi cách giảng bài chậm hơn và kĩ hơn”…, đó là những đánh giá của học sinh về thầy (cô) giáo của mình trong phiếu khảo sát ý kiến của học sinh. Đây cũng chính là những điều mà lần đầu tiên các em học sinh ở đây được phép nói ra với một mục đích tốt đẹp: Mong các thầy cô giáo của mình vì các em mà thay đổi.

Em Nguyễn Tấn Phát, Lớp 12A1, Trường THPT Trần Cao Vân, huyện Chư Sê cho biết:  “Em thấy đây là một phong trào thực sự rất bổ ích, vì từ trước đến nay chưa có những góp ý dành cho thầy cô, giờ có rồi thì em thấy thầy cô thay đổi rất tích cực để có những giờ lên lớp hấp dẫn hơn, lôi cuốn hơn…”

 “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” là phong trào thi đua lần đầu tiên được Ban Giám hiệu và Công đoàn Trường THPT Trần Cao Vân phát động. Tháng 12-2017, thông qua “Phiếu khảo sát ý kiến học sinh”, 15/15 giáo viên chủ nhiệm đã được biết những nhận xét và mong muốn từ chính học sinh của mình. Đến học kỳ I năm học này, phiếu khảo sát sẽ được phát cho các em học sinh để đánh giá tất cả các giáo viên đang công tác tại trường. Phong trào cũng được xem là một hoạt động tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại Trường THPT Trần Cao Vân. Tuy nhiên, những khó khăn gặp phải của nhà trường cũng không phải là ít, bởi không dễ để thay đổi một điều gì đó đã trở thành cố hữu trong mỗi con người.

Cô Rơh Lan Vân, Giáo viên dạy Văn, Trường THPT Trần Cao Vân, huyện Chư Sê nói: “Thật sự lần đầu tiên thì mình rất là khó chịu, bởi vì đó là điều khó chấp nhận được. Mặc dù khó chịu là vậy nhưng khi biết những nhận xét đó của học sinh thì mình thấy cũng đúng và cần phải hoàn thiện mình hơn. Vậy là từ những nhận xét đó tôi đã thay đổi rất nhiều. Giờ theo đánh giá của học sinh thì tôi đã gần gũi hơn với học sinh, đã ứng dụng nhiều hơn CNTT vào trong bài giảng để tiết học được sinh động…”

Thầy Bùi Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân, huyện Chư Sê cho biết: “Do nhà trường không có chuyên gia tâm lí để tư vấn cho giáo viên khi nhận được những góp ý của học sinh để thay đổi chính mình, chúng tôi chỉ dựa trên kinh nghiệm và tình cảm để tư vấn cho giáo viên khi nhận được phiếu khảo sát từ học sinh. Đó hiện đang là một trong những khó khăn mà nhà trường đang gặp phải…”

Khi thầy cô thay đổi, những tiết học ở trường THPT Trần Cao Vân đã trở nên sinh động hơn, tình cảm giữa giáo viên và học sinh cũng đã trở nên gần gũi và thân thiết, sự gắn kết giữa các đồng nghiệp cũng đã dần tốt hơn. Và đặc biệt hơn nữa, những học trò cá biệt của trường nay đã có sự thay đổi tích cực khi các em có ý thức học tập hơn, và có trách nhiệm với các phong trào thi đua của lớp./.

Quốc Linh, Mạnh Hà


Lượt xem: 105

Trả lời