Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng CP về công tác QLBV&PTR

Cập nhật 24/11/2017, 08:11:44

UBND tỉnh vừa thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng CP tại Thông báo số 191, Kết luận số 59 của Tỉnh ủy về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR).

Theo đó, kết quả công tác QLBV&PTR trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Diện tích rừng bị thiệt hại giảm 45,37%; số vụ phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép giảm 4,56% so với cùng kỳ; diện tích rừng trồng đến 31/10/2017 đạt 6.020 ha (gấp 4 lần năm 2016); việc chuyển mục đích sử dụng rừng được kiểm soát chặt chẽ, các dự án phát triển kinh tế có ảnh hưởng đến rừng tự nhiên được hủy bỏ; ý thức của chính quyền, cán bộ và nhân dân trong công tác QLBV&PTR ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, việc rà soát 3 loại rừng thực hiện chậm, dẫn đến việc xây dựng Đề án giao đất, giao rừng; Quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, Quy hoạch phát triển rừng sản xuất; phân cấp trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp huyện, xã, thủ trưởng các đơn vị chủ rừng trong việc QLBVR trên địa bàn chưa triển khai thực hiện được. Công tác theo dõi diễn biến rừng chưa chặt chẽ, số liệu về tài nguyên rừng không chính xác; tình hình vi phạm Luật BV&PTR vẫn còn xảy ra, mức độ thiệt hại, số vụ vi phạm, tính chất, quy mô vi phạm có giảm nhưng còn phức tạp; tình trạng vi phạm Luật Đất đai vẫn còn diễn ra nhiều nơi nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả; trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng chưa cao; một số vụ vi phạm chưa được xử lý nghiêm, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm…

Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục thực hiện nghiệm túc chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ và các kết luận, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác QLBV&PTR; kiểm soát chặt chẽ các dự án có ảnh hưởng đến rừng và đất rừng; không khai thác, chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên; không cải tạo rừng khộp nghèo kiệt khi chưa có đánh giá, khảo nghiệm kết luận đầy đủ về khoa học; không chuyển loại rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng SX. Xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật QLBV&PTR, không để tồn đọng kéo dài; kiểm điểm xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị chủ rừng. Kiểm soát chặt chẽ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, kinh phí tăng cường công tác QLBVR cấp xã. Tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, khuyến khích các DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng nhằm từng bước nâng cao độ che phủ rừng trong thời gian đến./.

Quốc Anh


Lượt xem: 56

Trả lời