Kế hoạch tái sản xuất chăn nuôi sau Dịch tả lợn Châu Phi

Cập nhật 18/11/2019, 09:11:13

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai về việc xây dựng Kế hoạch tái sản xuất chăn nuôi sau đợt Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Kế hoạch tái sản xuất chăn nuôi sau DTLCP, đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp tết Nguyên đán và Lễ hội năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có xảy ra bệnh DTLCP nhưng sản xuất chăn nuôi lợn vẫn có chuyển biến tích cực, phát triển sản xuất chăn nuôi tập trung, áp dụng công nghệ cao, trong 9 tháng đầu năm 2019 đã xuất tỉnh gần 57.000 con lợn tương đương khoảng 5.700 tấn thịt lợn hơi để phục vụ nhu cầu chăn nuôi, thực phẩm của các tỉnh khác trong cả nước.

Hiện tổng đàn nái của tỉnh có khoảng 26.018 con, trung bình từ nay đến quý I/2020 đẻ 10 con/1 lứa cho ra khoảng 260.180 lợn con cung cấp cho thị trường. Qua đó cho thấy nguồn lợn giống, thịt lợn trong tỉnh vẫn ổn định, hoàn toàn có thể chủ động để phục vụ người chăn nuôi tái đàn và nhu cầu thịt của người dân vào dịp tết Nguyên đán, mùa lễ hội sau tết.

Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê năm 2019 của Cục Thống kê, tỉnh Gia Lai có gần 400.000 con trâu, bò; gần 3,5 triệu con gia cầm, sản lượng trứng khoảng 60 triệu quả là nguồn thực phẩm dồi dào cung cấp cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Với điều kiện thông thương thuận lợi và hàng hóa lưu thông theo cơ chế thị trường hiện nay cùng nguồn cung thực phẩm nêu trên, trước mắt việc nhập thịt lợn để dự trữ là chưa cần thiết.

Tuy nhiên, để đảm bảo kế hoạch tái sản xuất chăn nuôi sau DTLCP, đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp tết Nguyên đán và Lễ hội năm 2020 trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các cấp, ngành, địa phương tích cực tuyên truyền vận động người chăn nuôi nhất là khu vực người đồng bào dân tộc thiểu số không nuôi lợn thả rông, chỉ thực hiện tái đàn lợn tại các hộ đảm bảo điều kiện nuôi nhốt, thực hiện tốt các biện pháp quản lý dịch bệnh như mua con giống có nguồn gốc đảm bảo an toàn dịch bệnh, tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và thực hiện tốt các hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh… Vận động người chăn nuôi chủ động tiêu độc khử trùng tại hộ, trại chăn nuôi, tiêm các loại vắc xin phòng bệnh theo chu kỳ chăn nuôi; Hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy để có điều kiện khôi phục sản xuất sau dịch bệnh; Quản lý, kiểm soát nguồn lợn vận chuyển ra, vào tỉnh để phục vụ nguồn lợn giống đảm bảo an toàn dịch bệnh, nguồn lợn thịt không bị mắc bệnh ra, vào tỉnh./.

Lê Thư – Minh Trung


Lượt xem: 469

Trả lời